Hơn 92.000 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

(Dân trí) - Thống kê mới nhất của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), tới hết tháng 7/2019, cả nước có 92.100 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, trong đó có 81.100 người thuộc diện cấp giấy phép lao động…

Hơn 92.000 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam - 1

Trao đổi với báo giới tại Hội nghị Truyền thông về Việc làm sáng 22/8 tại Thái Nguyên, ông Phùng Quốc Vương - Trưởng phòng quản lý lao động (Cục Việc làm) cho biết, lao động nước ngoài vào Việt Nam có quốc tịch từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 

Trong xu hướng hội nhập, lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có xu hướng tăng lên qua các năm gần đây.

Trước thực tế này, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành nhiều quy định nhằm quản lý chặt chẽ hơn nhóm đối tượng này. Hiện nay, pháp luật trong nước chỉ cho phép lao động nước ngoài vào làm việc theo 4 vị trí là chuyên gia, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật và nhà quản lý với điều kiện lao động Việt Nam không đáp ứng được.

Theo khuyến cáo của Cục Việc làm, trong bối cảnh dịch chuyển lao động và cạnh tranh như hiện nay, người lao động trong nước cần chủ động nâng cao tay nghề, vươn lên để thay thế bằng được các vị trí làm việc của người nước ngoài. Đây là một nền tảng để giúp nâng mức tiền lương của lao động Việt Nam lên cao.

Cũng theo ông Phùng Quốc Vương, qua đánh giá trong số các vị trí công việc mà người nước ngoài được đảm nhiệm tại Việt Nam, hiện đang tăng dần tỷ lệ nhà quản lý, giám đốc điều hành và chuyên gia. Chỉ có tỷ lệ lao động kỹ thuật đang có xu hướng giảm đi.

Do đa số lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc đảm nhiệm ở những vị trí cao nên mức lương cũng khá hấp dẫn và được cân đối theo cơ chế thị trường.

Dự báo của cơ quan chức năng cho thấy, xu hướng người nước ngoài vào làm việc ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Hơn 92.000 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam - 2
Ông Phùng Quốc Vương

Điều này cũng dễ lý giải bởi trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và Việt Nam đang chủ động tham gia các hiệp định thương mại tự do.

Theo Cục Việc làm, trong thời gian tới, việc di chuyển lao động nước ngoài vào Việt Nam sẽ có thêm nhiều thách thức.

Trong đó, khó khăn nhất là việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng như ý thức chấp hành của doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam. 

Theo ông Phùng Quốc Vương, dù quy định pháp luật rất rõ ràng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn để xảy ra tình trạng để lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc mới bắt đầu cấp giấy phép lao động. Hậu quả xảy ra là người lao động có thể bị xử lý theo quy định như xử phạt hành chính hoặc bị trục xuất về nước.

Để tăng cường công tác quản lý về vấn đề này, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cần phải kiểm soát rất chặt việc cấp giấy phép cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài.

Theo Cục Việc làm, để được đảm bảo quy trình quản lý lao động nước ngoài, các đơn vị sử dụng người lao động phải có báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng với UBND cấp tỉnh, nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.

Theo đó, trước khi tuyển người lao động nước ngoài, nhà thầu có trách nhiệm kê khai số lượng, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của người lao động nước ngoài cần huy động để thực hiện gói thầu tại Việt Nam và đề nghị tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người lao động nước ngoài với Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi nhà thầu thực hiện gói thầu.

Phan Long