Hơn 75% nhân lực ngành dệt may đi về đâu trong cuộc cách mạng 4.0?

Số lao động đã qua đào tạo trong các doanh nghiệp dệt may Việt Nam mới chiếm khoảng 25%, còn tới 75% trong lĩnh vực này chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo dưới ba tháng.

Năm 2030 ngành Dệt may Việt Nam cần tới 210.000 lao động
Năm 2030 ngành Dệt may Việt Nam cần tới 210.000 lao động

Nhân lực “vừa thiếu, vừa yếu”

Không chỉ là ngành xuất khẩu mũi nhọn của đất nước, dệt may còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động nhất hiện nay. Bà Phùng Thị Hạnh - Trưởng phòng đào tạo, Đại học Dệt may Hà Nội cho biết, ngành Dệt may hiện có khoảng 2,5 triệu lao động, trong đó 80% là nữ. Dự báo đến năm 2025, ngành Dệt may Việt Nam cần thêm hơn 130.000 lao động có trình độ đại học, cao đẳng. Con số này sẽ tăng lên trên 210.000 vào năm 2030.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực tại nhiều doanh nghiệp dệt may không đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. Số lao động đã qua đào tạo trong các doanh nghiệp dệt may Việt Nam mới chiếm khoảng 25%, còn tới 75% trong lĩnh vực này chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo dưới ba tháng. “Nếu tính chất lượng nhân lực để có thể đáp ứng các vị trí, quy trình sản xuất ngành dệt may theo yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 thì tỷ lệ không đáp ứng của lao động dệt may còn cao hơn nữa” – bà Phùng Thị Hạnh chia sẻ.

Phân tích của chuyên gia, dưới tác động của CMCN 4.0, với trọng tâm là ứng dụng các công nghệ số, kỹ thuật số, trong tương lai, rất nhiều khâu trong chuỗi giá trị ngành dệt may sẽ được sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại, tự động hóa cao, rô bốt… thay cho sức lao động của con người. Đơn cử, ở khâu sản xuất sợi, cách đây 10 năm, doanh nghiệp cần sử dụng tới 110 lao động để vận hành một nhà máy có quy mô một vạn cọc sợi, nhưng khi áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất thì số lượng nhân lực giảm còn 25 – 35 lao động để vận hành nhà máy có quy mô tương tự.

Điều đáng ngại hơn, tại không ít doanh nghiệp, cán bộ quản lý, kỹ thuật, công nghệ được lựa chọn, cất nhắc từ những công nhân tiên tiến, có tay nghề tốt nhưng chưa được bồi dưỡng về kỹ năng quản lý, con người, đặc biệt là khả năng ứng dụng công nghệ trong sản xuất, khiến nguồn nhân lực ngành may mặc đã thiếu lại yếu.

Nâng chất lượng nhân lực

Nhiều chuyên gia cho rằng, để duy trì sự phát triển cũng như tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, ngành Dệt may Việt Nam không còn cách nào khác phải đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nắm bắt những công nghệ tiên tiến.

Theo TS. Tạ Văn Cánh – Phó Trưởng Khoa Kinh tế, Trường Đại học Dệt may Hà Nội, để đáp ứng được CMCN 4.0, đòi hỏi nguồn nhân lực dệt may cần có kỹ năng thiết kế sản phẩm sử dụng công nghệ 3D, có khả năng vận hành dây chuyền tự động hóa cao bằng rô bốt công nghiệp…

Để đạt được những yêu cầu đó, theo ông Cánh, việc đào tạo bắt buộc với tất cả các nhà quản trị từ cấp phòng trở lên, yêu cầu về kiến thức CMCN 4.0, nhà máy dệt may thông minh; tập trung phát triển kỹ năng xây dựng văn hóa doanh nghiệp bảo đảm minh bạch, tôn trọng nhân viên…

Cùng quan điểm này, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP. Hồ Chí Minh khẳng định, vấn đề đào tạo hiện chưa đáp ứng được yêu cầu của cách mạng công nghệ mới. Vì vậy, song song với quá trình đầu tư công nghệ mới, doanh nghiệp cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực thì mới khai thác được tốt các cơ hội thị trường cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.

"Hiện nay, Hội Dệt May Thêu Đan TP. Hồ Chí Minh đã kết hợp với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại thành phố phối hợp với Trung tâm đào tạo của đối tác Singapore mở các lớp huấn luyện cho lực lượng quản lý, nhân viên kỹ thuật để có thể áp dụng và vận hành công nghệ mới kể cả việc huấn luyện người lao động nhằm nâng cao kỹ năng đối với các lĩnh vực đang đầu tư" - ông Hồng chia sẻ.

Theo Thu Hoài/Báo Diễn đàn Doanh nghiệp