1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hơn 4.000 người lao động “bơ vơ” quyền lợi BHXH do 160 DN nước ngoài bỏ trốn

(Dân trí) - “Hết tháng 2, tổng số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 68,6 triệu người đạt 93,5% kế hoạch. Bên cạnh đó, tình trạng nợ BHXH vẫn nhức nhối. Đặc biệt thời gian qua, có hơn 160 doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn, làm ảnh hưởng tới quyền lợi BHXH của hơn 4.000 lao động”.


Ảnh có tính minh họa

Ảnh có tính minh họa

Ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu (BHXH VN) trao đổi với báo giới tại buổi công bố kết quả hoạt động của BHXH VN quý 1/2016, chiều 29/3 tại Hà Nội.

Nhức nhối tình trạng người lao động “bơ vơ”

Kết quả đánh giá của BHXH VN cho thấy, so với năm 2015, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng 44.683 người (tương ứng 0,3%), số người tham gia BHXH tự nguyện giảm là 19,217 người (tưng ứng giảm 8%), số người tham gia BHTN tăng 24.644 người (tương ứng tăng 0,2%).

Theo ông Trần Đình Liệu, lý do của việc tăng thêm BHXH bắt buộc tăng là do khoảng 300.000 cán bộ cấp xã, phường không chuyên trách mới được chuyển sang đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Điểm nhức nhối nhất của công tác thu BHXH là tình trạng nợ còn cao. Đặc biệt, tình trạng 160 chủ doanh nghiêp nước ngoài bỏ trốn khỏi lãnh thổ VN, không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho khoảng 4.000 lao động đã diễn ra hơn 6 năm nay. Ông Trần Đình Liệu cho rằng, việc này đã vượt ngoài tầm kiểm soát của BHXH VN.

“Doanh nghiệp chỉ đi thuê nhà xưởng, hợp đồng lao động và sổ BHXH doanh nghiệp giữ. Khi họ không đóng sau 1 tháng, cơ quan BHXH tới kiểm tra thì không còn gì. Trong khi đó, cơ chế liên thông với hải quan chưa được rõ. Chúng tôi không nắm được việc chủ doanh nghiệp bao giờ ra vào VN” - ông Trần Đình Liệu giải thích thêm.

Được biết, BHXH VN đã nhiều lần báo cáo lên chính phủ về tình trạng này. Tuy nhiên tìm ra một cơ chế để giải quyết dứt điểm rất khó. “Đặc biệt là việc xác định thời gian và số tiền đã đóng của người lao động tại doanh nghiệp để qua đó chốt sổ BHXH. Bởi doanh nghiệp bỏ trốn không còn lưu giữ giấy tờ gì” - ông Trần Đình Liệu nói.

Thông tuyến khám theo diện BHYT cấp huyện trong toàn quốc

Cũng tại cuộc họp báo, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện Chính sách BHYT (BHXH VN) cũng cho biết lộ trình của việc thông tuyến khám chữa bệnh cấp tỉnh, huyện.

Theo Công văn 943/BHXH-CSYT , từ 1/1/2016, người có thẻ BHYT có thể đăng ký khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn cả nước. “Công văn 943/BHXH-CSYT dù ban hành ngày 21/3 nhưng có hiệu lực hồi tố cho các đối tượng khám chữa bệnh như trên từ 1/1/2016. Đây là bước bổ sung những hạn chế của quy định trước đây, chỉ cho phép người có thẻ BHYT được đăng ký khám ở các bệnh viện tuyến huyện trong cùng 1 tỉnh” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Quyết định thông tuyến một mặt thể hiện cụ thể quy định tại khoản 3, Điều 22 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT kể từ ngày 01/01/2016. Theo đó, Người bệnh có thể đăng ký khám chữa bệnh theo thẻ BHYT ở các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc.

“Đồng thời, quy định cũng thể hiện việc cải cách thủ tục hành chính, từng bước giúp người dân hiểu và tự nguyện tham gia chính sách BHYT sâu rộng hơn”.

Liên quan tới việc thực hiện tăng giá dịch vụ y tế cho các đối tượng có thẻ BHYT từ 1/3/2016 theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính, đại diện cơ quan BHXH VN cho biết: “Thời gian thực hiện còn chưa tới 1 tháng, việc tổng hợp những phát sinh sẽ cần thêm thời gian để từ có những điều chỉnh phù hợp nếu có”.

Theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, các cơ sở khám bệnh và chữa bệnh trên toàn quốc được áp dụng mức giá bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù từ ngày 1/3. Từ ngày 1/7, mức giá cộng thêm tiền lương của nhân viên y tế.

“Riêng đối với các cơ sở khám bệnh công lập được cơ quan có thẩm quyền phân loại (đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư) và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được áp dụng mức giá cộng thêm tiền lương từ ngày 1/3” - ông Phạm Lương Sơn cho biết.

Hoàng Mạnh