Hơn 100.000 thí sinh không vào đại học và dự thảo nghị định lương tối thiểu

(Dân trí) - Nhiều thông tin việc làm hấp dẫn trong tuần qua, như: Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đặt vấn đề 100.000 thí sinh không vào đại học, dự thảo nghị định tăng lương tối thiểu 2018, thách thức với mục tiêu đạt 50 % lực lượng lao động tham gia BHXH, BHXH VN phản hồi vụ siết chi kinh phí BHYT…


Ảnh: TL

Ảnh: TL

“100.000 thí sinh không vào đại học, vậy giáo dục nghề nghiệp phải làm gì?”

Đây là trăn trở của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại Lễ công bố tên gọi và chức năng của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cơ quan này có tên cũ là Tổng cục Dạy nghề. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiều 21/8 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói: “Hơn 100.000 thí sinh thi đỗ đại học nhưng không vào học đại học. Năm 2017 tạm thời còn có điểm sàn đại học, nhưng tới năm 2018, không còn điểm sàn đại học thì sẽ ra sao? Đây là những câu hỏi đặt ra với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp”

Theo người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH, tên gọi “Tổng cục giáo dục nghề nghiệp” đòi hỏi lãnh đạo, cán bộ của Tổng cục cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc việc “thay tên đổi họ” là thay đổi về chất với giáo dục nghề nghiệp.

“Tổng cục giáo dục nghề nghiệp cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy để hệ thống giáo dục nghề nghiệp, quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn và chất lượng nhất. Đồng thời, từ cách làm mới để thay đổi nhận thức, giúp thanh niên hiểu đúng về giáo dục nghề nghiệp, người chưa có khả năng hoặc không có nhu cầu học đại học tự nguyện học nghề, khi ra trường họ có việc làm và thu nhập ổn định” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Xem cụ thể tại đây.

Lương tối thiểu dự kiến tăng thêm từ 180.000-230.000 đồng từ 1/1/2018

Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2018. Theo đó, mức lương tối thiểu của 4 vùng lương dự kiến được tăng từ 180.000 đồng - 230.000 đồng so với hiện nay. Nếu được Chính phủ phê duyệt, nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, mức lương tối thiểu vùng áp 4 mức như sau: Mức lương vùng 1: 3,98 triệu đồng/tháng; vùng 2: Mức 3,53 triệu đồng/tháng; vùng 3: Mức 3,09 triệu đồng/tháng; vùng 4: Mức 2,76 triệu đồng/tháng.

Trong Tờ trình dự thảo nghị định, Bộ trưởng LĐ-TB&XH nhận định, đề xuất tăng mức lương tối thiểu được tính toán trên cơ sở bù đủ trượt giá sinh hoạt năm 2017. Mức lương mới nếu được áp dụng sẽ cải thiện theo mức tăng năng suất lao động xã hội khoảng 2% - 2,5% để thực hiện lộ trình điều chỉnh bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người lao động.

Ngoài đề xuất tăng lương, dựa vào thay đổi của tình hình kinh tế xã hội, dự thảo có xem xét, cân đối điều chỉnh, bổ sung một số địa bàn áp dụng theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, trực thuộc trung ương.

Nếu dự thảo nghị định được Chính phủ thông qua, quy định tăng lương tối thiểu sẽ có hiệu lực từ 1/1/2018.

Chỉ tiết nội dung tại đây.

BHXH VN lên tiếng vụ siết chi kinh phí BHYT

Công văn số 3742/BHXH-KHĐT ngày 24/8, do ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội VN - ký gửi Bộ Y tế, phản hồi về việc tổ chức thực hiện dự toán chi khám chữa bệnh BHYT năm 2017. Trong đó, ông Nguyễn Minh Thảo khẳng định việc giao dự toán chi khám chữa bệnh BHYT 2017 là đúng thẩm quyền, đúng luật

Trước đó, BHXH Việt Nam nhận được ý kiến của Bộ Y tế liên quan tới giao kinh phí khám chữa bệnh BHYT 2017. Theo đó, Bộ Y tế cho rằng việc BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Y tế giao dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh năm 2017 là không đúng thẩm quyền, không đúng quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn.

Lý giải của BHXH VN, một trong các nguyên nhân khiến BHXH VN phải tăng cường rà soát nguồn kinh phí cho khám chữa bệnh theo thẻ BHYT vì việc gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT còn có nguyên nhân chủ quan từ tình trạng lạm dụng, trục lợi và lãng phí quỹ BHYT diễn ra phổ biến tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh với các hình thức ngày càng tinh vi và rộng rãi hơn.

Thực tế thời gian qua cho thấy, chi phí khám chữa bệnh BHYT liên tục gia tăng qua các năm. Chỉ tính đến hết quý 1/2017 các cơ sở khám chữa bệnh đã đề nghị cơ quan BHXH thanh toán cho hơn 35,3 triệu lượt khám chữa bệnh với trên 17,5 nghìn tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2016.

Với tốc độ gia tăng chi phí trong 5 tháng đầu năm 2017 và không có các giải pháp hữu hiệu để kiểm soát chi phí thì dự báo quỹ khám chữa bệnh BHYT cả năm 2017 sẽ bị thiếu trên 10.000 tỷ đồng.

Việc gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT ngoài nguyên nhân khách quan do điều chỉnh giá dịch vụ y tế có kết cấu thêm chi phí phụ cấp đặc thù và lương của nhân viên y tế (chiếm khoảng 30%) còn có nguyên nhân chủ quan từ tình trạng lạm dụng, trục lợi và lãng phí quỹ BHYT diễn ra phổ biến tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh với các hình thức ngày càng tinh vi và rộng rãi hơn.

Trong năm 2015-2016, cơ quan BHXH đã từ chối hàng nghìn tỷ đồng thanh toán sai quy định.

Xem chi tiết

Liệu có 50 % lực lượng lao động tham gia BHXH vào năm 2020?

Theo BHXH VN, tới tháng 6/2017, cả nước có hơn 13,1 triệu người tham gia BHXH, chiếm 24 % lực lượng lao động, tăng 6,8 % so với cùng kỳ năm 2016. Nhưng kết quả này còn cách xa mục tiêu của Nghị quyết 21 do Bộ Chính trị đề ra vào năm 2020, cả nước có 50% lực lượng lao động (khoảng 27 triệu người) tham gia BHXH.

Đây cũng là trăn trở của các diễn giả tham dự Toạ đàm trực tuyến về chủ đề phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Chương trình do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 22/8 tại Hà Nội.

Nhận định về thực tế trên, ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (Bảo hiểm xã hội VN) - cho rằng: Số lượng đối tượng tham gia BHXH tăng như trên chưa đáp ứng với kỳ vọng của chính sách, cách xa với mục tiêu của Nghị quyết 21.

Nguyên nhân của tình trạng trên bởi điều kiện kinh tế xã hội thời gian qua còn khó khăn khiến việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức còn chậm và số lao động tham gia quan hệ lao động không tăng nhiều.

Do tình trạng khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc thu hẹp quy mô dẫn tới cắt giảm lao động. Số doanh nghiệp tăng mới nhiều nhưng quy mô chủ yếu là nhỏ hoặc siêu nhỏ, nên quy mô sử dụng lao động ít.

“Trong khi đó, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận chủ sử dụng lao động còn kém. Cơ chế kiểm soát và cưỡng chế việc tuân thủ pháp luật BHXH còn bất cập” - ông Đỗ Ngọc Thọ nói.

Chi tiết tại đây

Hoàng Mạnh