1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hơn 1.000 tỷ đồng hỗ trợ người thất nghiệp tại Đồng Nai

Theo Trung tâm giới thiệu việc làm Đồng Nai, năm 2019, Trung tâm đã chi trả trợ cấp thất nghiệp cho hơn 50.000 lao động với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.

Hơn 1.000 tỷ đồng hỗ trợ người thất nghiệp tại Đồng Nai - 1

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. (Ảnh minh họa: Quốc Khánh/TTXVN)

Theo Trung tâm giới thiệu việc làm Đồng Nai, năm 2019, Trung tâm đã chi trả trợ cấp thất nghiệp cho hơn 50.000 lao động với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.

So với năm 2018, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng không đáng kể (khoảng 2.000 người), song số tiền chi trả tăng hơn 200 tỷ đồng.

Ông Trần Phương Hoài, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm giới thiệu việc làm Đồng Nai cho biết, từ khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp đi vào cuộc sống, tại Đồng Nai, tiền hỗ trợ người mất việc làm năm sau luôn cao hơn năm trước.

Nguyên nhân do công nhân đã tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp nhiều năm, khi mất việc làm, số tháng họ được nhận trợ cấp tăng lên.

Trước đây, số lao động được nhận trợ cấp thất nghiệp từ 7-12 tháng không lớn, nhưng năm 2019 có hơn 15.000 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 7-12 tháng với số tiền gần 590 tỷ đồng.

Năm 2019 ở Đồng Nai, người lao động mất việc làm vì nguyên nhân bất khả kháng (doanh nghiệp giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu; người lao động bị xử lý kỷ luật, sa thải) là rất ít, chỉ có gần 640 người.

Hầu hết người hưởng chế độ thất nghiệp là do hết hạn hợp đồng, hai bên thỏa thuận hoặc tự người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo ông Trần Phương Hoài, do cơ hội việc làm rộng mở nên tại Đồng Nai, nhiều công nhân dù đã làm việc lâu năm nhưng vẫn nghỉ để làm công việc mới với thu nhập, các chế độ phúc lợi và môi trường làm việc tốt hơn.

Nguyên tắc của bảo hiểm thất nghiệp là đóng-hưởng, nhưng bảo hiểm thất nghiệp là chế độ an sinh của Nhà nước, nhằm hỗ trợ người lao động trong thời gian mất việc làm, giúp họ sớm quay lại thị trường lao động.

Công nhân làm việc lâu năm vì thế nên thận trọng xem xét, chỉ nghỉ việc trong trường hợp bất khả kháng; không nên cố tình “nhảy việc” để hưởng chế độ.

Theo thống kê của Trung tâm giới thiệu việc làm Đồng Nai, 80% lao động thất nghiệp ở Đồng Nai là công nhân phổ thông, chưa qua đào tạo nghề, làm việc trong các ngành nghề như dệt may, giày da, bao bì.

Trong số hơn 50.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp có gần 46.000 người từ 24-40 tuổi, số người trên 40 tuổi rất ít. Hầu hết người được hưởng trợ cấp đã tìm được việc làm mới./.

Theo Công Phong (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/hon-1000-ty-dong-ho-tro-nguoi-that-nghiep-tai-dong-nai/617644.vnp