1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hôm nay (13/8): Sẽ "chốt" đề xuất lương tối thiểu 2019 của hàng chục triệu lao động?

(Dân trí) - Lúc 8h sáng nay, Phiên đàm phán lần 3 về lương tối thiểu 2019 sẽ được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại Đồ Sơn (Hải Phòng). Dù khoảng cách đề xuất tăng của các bên trước khi vào đàm phán còn từ 4-6%, tuy nhiên khả năng chốt mức đề xuất tăng lương thông qua phiên bỏ phiếu là rất cao.

Hôm nay (13/8): Sẽ "chốt" đề xuất lương tối thiểu 2019 của hàng chục triệu lao động? - 1

“Sẽ điều chỉnh tăng và kết thúc trong Phiên lần này”

Trao đổi với PV Dân trí trước Phiên đàm phán, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN cho biết: Tại Phiên đàm phán lần trước, Hội đồng giới chủ sử dụng lao động đã điều chỉnh lên mức 2 %. "Trong cuộc họp lần 3, chúng tôi sẽ xem xét để điều chỉnh theo hướng tăng lên cho phù hợp".

Ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh: “Hội đồng giới chủ sử dụng lao động sẽ thống nhất để có được sự đồng thuận cao và kết thúc đàm phán luôn. Việc đàm phán tới nay đã bước vào vòng 3 và không nên kéo dài nữa”.

Bên cạnh đó, đại diện đàm phán của Hội đồng giới chủ cũng kỳ vọng người lao động cần có sự thấu hiểu và chia sẻ với những áp lực về tài chính, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Qua đó giúp doanh nghiệp có sự phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo việc làm bền vững và vươn ra thế giới.

Vậy sự điều chỉnh sẽ ở mức nào?

Theo ông Hoàng Quang Phòng, mức tăng trong phiên lần 3 này sẽ phải cân đối sao cho phù hợp với khả năng doanh nghiệp.

“Nếu tăng cao quá, doanh nghiệp phải cơ cấu lại tài chính và nhân lực. Hậu quả trước mắt là lại có thêm nhiều người lao động mất việc. Sứ mệnh của doanh nhân là tạo việc làm đàng hoàng cho người lao động, và cần sự chia sẻ của người lao động” - ông Hoàng Quang Phòng cho biết.

“Không tăng năm nay, năm 2019 sẽ khó đạt tiêu chí”

Trong một diễn biến khác, trao đổi với PV Dân trí, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, nêu quan điểm: “Trong Phiên đàm phán lần này, Tổng LĐLĐ VN sẽ có sự xem xét điều chỉnh để gần hơn với đề xuất của VCCI, nhưng sẽ không nhiều”.

Tuy nhiên, ông Mai Đức Chính cũng khẳng định mức giới hạn về thời gian trong điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Theo đó, tới năm 2020, mức lương tối thiểu vùng phải đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động.

“Điều này được khẳng định Nghị quyết 27/NQ-TW về tiêu chí mức lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu” - ông Mai Đức Chính nói.

Bên cạnh đó, ông Mai Đức Chính cũng phân tích thêm: “Không thể nói rằng năng nay điều kiện kinh tế sáng sủa. Trong khi đó, tiền lương của khối công chức, viên chức cũng đã tăng gần 7 % trong năm 2018. Điều này cho thấy, mức lương tối thiểu không thể tăng thấp hơn năm trước (6,5%)".

Cũng theo đại diện đàm phán của Tổng LĐLĐ VN, mức lương tối thiểu mới đáp ứng khoảng 92 % mức sống tối thiểu. Nếu không tăng ở mức trên, năm 2019 sẽ rất khó khăn để điều chỉnh sao cho đạt chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết 27/NQ-TW.

“Mức tăng có thể tối đa 6 %”

Theo ông Phạm Minh Huân - Nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trong đàm phán lương tối thiểu 2019, hai bên còn nhiều sự khác biệt và quá nhấn mạnh vào các tiêu chỉ của mình: “Tổng LĐLĐ VN nhấn mạnh vào mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu. VCCI nhấn mạnh về điều kiện kinh doanh, sản xuất khó khăn và sức chịu đựng có hạn của doanh nghiệp”

Ông Phạm Minh Huân so sánh: “Năm 2019, mức tăng sẽ còn phải tăng lên bởi chỉ số giá sinh hoạt đang tăng khiến tiền lương thực tế giảm. Do đó, mức điều chỉnh ít nhất là 4 % nhằm đáp ứng tiêu chí duy trì giới hạn về mức chỉ số giá sinh hoạt là 4% trong năm nay. Còn lại, các bên đàm phán nếu tăng lên 5-6 % thì càng tốt” - Ông Phạm Minh Huân cho biết.

Ông Phạm Minh Huân lưu ý, mức sống của người lao động còn khó khăn và việc điều chỉnh lương tối thiểu là tất yếu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng gặp không ít thách thức, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm phần lớn trong cộng đồng doanh nghiệp VN.

“Từ năm 2008 tới nay, tiền lương đã được điều chỉnh tới 11 lần. Nếu tính tổng mức lương tối thiểu hiện nay với mức lương của năm 2008 là tăng 5,5 lần. Mức tăng này cao hơn cả chỉ số trượt giá, năng suất lao động và mức phát triển chung…” - ông Phạm Minh Huân cho biết.

Hoàng Mạnh