1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hội nhập Cộng đồng kinh tế Asean: Cảnh báo thiếu hụt kỹ năng nghề du lịch

(Dân trí) - Nhân lực ngành du lịch thiếu kỹ năng, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp là mối lo ngại lớn đối với VN cũng như các nước trong khu vực. Điều này càng trở nên quan ngại khi thời điểm VN gia nhập Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) chỉ còn khoảng 6 tháng.

Cải thiện kỹ năng nghề giúp lao động có chỗ đứng vững hơn trong công việc (ảnh minh họa)
Cải thiện kỹ năng nghề giúp lao động có chỗ đứng vững hơn trong công việc (ảnh minh họa)
Theo Tổ chức lao động Quốc tế (ILO), một điều tra về kỹ năng với khoảng 200 doanh nghiệp trong ngành du lịch ở miền Trung của VN mới được thực hiện cho thấy, tất cả chủ sử dụng lao động đều cho rằng sinh viên tốt nghiệp các trường nghề chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

Nguyên nhân chính dẫn tới sự khập khiễng này là do quá trình đào tạo của nhà trường thiếu sự tham gia của doanh nghiệp. Điều này làm cho sinh viên thiếu khả năng thực tế, kinh nghiệm va chạm cũng như kỹ năng ngoại ngữ còn khiêm tốn.

Trong bối cảnh hội nhập AEC chỉ còn 6 tháng, việc cảnh báo điều chỉnh kỹ năng nghề là điều cần thiết, đòi hỏi sự tham gia từ cấp chính phủ và doanh nghiệp.

Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO Việt Nam, nhận định: “Để định hướng lại công tác đào tạo và phát triển kỹ năng trong ngành công nghiệp đầy tiềm năng này, tôi cho rằng cần một hội đồng kỹ năng du lịch có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp, Chính phủ, các cơ sở đào tạo và các bên liên quan khác”.

Đại diện ILO VN cũng cho biết, ở nhiều quốc gia trên thế giới, các hội đồng kỹ năng theo ngành đã trở thành một cấu phần quan trọng của các chính sách ngành thành công.

Không chỉ dừng ở việc hình thành kỹ năng nghề, điều quan trọng hơn là kỹ năng nghề đó phải được công nhận giữa các quốc gia Asean.

Điều này được ông Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) chỉ rõ: “Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế, tiến tới công nhận kỹ năng nghề giữa các nước ASEAN, trong đó việc công nhận trình độ kỹ năng làm cơ sở cho việc dịch chuyển lao động giữa các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới”.

Muốn vậy, ông Dương Đức Lân cho rằng lĩnh vực dạy nghề phải được đổi mới và phát triển mạnh mẽ, toàn diện.

Trên cơ sở sự công nhận lẫn nhau, người lao động với những kỹ năng và bằng cấp cần thiết trong ngành này sẽ có thể đáp ứng được tốt hơn nhu cầu từ số lượng khách du lịch ngày một tăng cao hoặc di chuyển trong nội khối ASEAN để làm việc.

Được biết, du lịch là một trong 8 ngành nghề được bao gồm trong các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN ra đời vào cuối năm 2015.

Với bờ biển dài gần 3.300km và 7,8 triệu khách du lịch quốc tế mỗi năm, ngành du lịch là một trong những mũi nhọn của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng đáng kể của ngành công nghiệp trị giá 10,7 tỷ USD này cũng là một nguồn chính tạo thu nhập và việc làm. Theo Tổng cục Du lịch, ngành này tạo việc làm cho khoảng 1,7 triệu lao động, trong đó bao gồm 550.000 việc làm trực tiếp.

Hoàng Mạnh