1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Học theo Napoleon: Đừng đa nhiệm

Napoleon đạt được rất nhiều thành tựu vĩ đại bởi vì ông đã không thực hiện chúng cùng một lúc.

Nhiều người coi Napoleon là một trong những người đa nhiệm vĩ đại nhất mọi thời đại - có thể xử lý đồng thời các vấn đề chính trị, chiến lược quân sự và các vấn đề nhân sự cùng một lúc.

Sự thật là ông không hề đa nhiệm, thậm chí còn ghét ý tưởng thực hiện các nhiệm vụ cùng một lúc. Trên thực tế, có thể nói rằng ông đã nhiều lần đạt được rất nhiều thành tựu vĩ đại bởi vì ông đã không đa nhiệm.

“Các vấn đề và công việc khác nhau được sắp xếp trong đầu tôi như một cái tủ. Khi tôi muốn làm gián đoạn một dòng suy nghĩ, tôi đóng ngăn kéo đó và mở một ngăn khác. Khi tôi muốn ngủ, tôi làm một việc rất đơn giản: đóng tất cả các ngăn kéo và đi ngủ ngay sau đó”, Napoleon từng chia sẻ.

Học theo Napoleon: Đừng đa nhiệm - 1

Napoleon đã giành được gần 90% chiến thắng trong tổng số các trận chiến của mình. Suốt sự nghiệp cầm quân của mình, Napoleon đã giành chiến thắng 52 trên tổng số 60 trận đánh ông tham gia, trong đó có những chiến thắng vang dội và để lại dấu ấn không nhỏ trong lịch sử.

Đối thủ lớn của Napoléon, Công tước xứ Wellington, đã từng được hỏi ai là vị tướng vĩ đại nhất trong thời đại của ông. Wellington trả lời, trong thời đại này, và ở mọi thời đại, hay ở bất kỳ thời đại nào, cũng luôn là Napoléon.

Napoleon thống trị lục địa châu Âu, phát triển một hệ thống luật pháp, hành chính, giáo dục và vẫn còn ảnh hưởng đến các chính phủ trên thế giới cho đến ngày nay. Chỉ có một liên minh của Anh, Phổ, Áo và Nga mới đánh bại được ông.

Điều gì đã khiến Napoleon trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc như vậy? Mối quan hệ mạnh mẽ của ông với quân đội, tài năng tổ chức và sự sáng tạo của Napoleon đều đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, bí quyết thành công của Napoléon là khả năng tập trung vào một mục tiêu duy nhất. Trên chiến trường, Napoleon sẽ tập trung lực lượng của mình để ra đòn quyết định.

Một hệ quả của Cách mạng Pháp, Napoléon đã đe dọa trực tiếp trật tự truyền thống của châu Âu. Kết quả là, các quốc gia và đế chế hùng mạnh đã liên minh chống lại ông. Tuy nhiên, Napoleon luôn khai thác các ưu tiên và mục tiêu cạnh tranh của những kẻ thù lớn hơn của mình. Khác với họ, trong trận chiến, ông từ chối đa nhiệm.

Năm 1805, Pháp đã chiếm thủ đô Vienna của Áo. Tuy nhiên, một đội quân Áo vẫn ở lại chiến trường, và không lâu sau, Nga cũng đưa quân tham gia. Hai đồng minh này hoàn toàn áp đảo quân của Napoléon về số lượng (68 nghìn quân Pháp phải đối đầu với 85 nghìn quân Áo và Nga).

Tuy nhiên, Napoleon quyết định đánh bại kẻ thù lớn hơn mình. Tại Austerlitz, Napoleon nhanh chóng nhận ra một nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện. Một đòn đánh chính xác và cuộc chiến sẽ kết thúc, Napoleon tuyên bố. Sau đó, ông đã tạo nên một cuộc tấn công dữ dội chiếm lấy vị thế và chia rẽ quân đội Nga và Áo.

Napoleon sau đó dồn toàn bộ lực lượng của mình đánh vào cánh trái của kẻ thù, đập vỡ liên quân Nga -  Áo và làm nên chiến thắng Austerlitz lẫy lừng.

Để giải thích cho thành công của mình, Napoleon đã viết: Bí mật của những trận chiến vĩ đại bao gồm cách triển khai và tập trung đúng lúc. Chiến thắng luôn có thể xảy ra, ngay cả với một đội quân kém hơn, khi dồn tất cả sức mạnh để tấn công kẻ thù.

Khoa học hiện đại đã xác nhận tính hiệu quả từ cách tiếp cận một cách tập trung của Napoléon. Trong công việc, chúng ta phải đối mặt với nhiều đòi hỏi khác nhau mỗi ngày.

Có thể chúng ta tin rằng chúng ta là những chuyên gia multitasking, nhưng sự thực không phải thế. Một nghiên cứu của Stanford đã chỉ ra rằng thay vì đa nhiệm, chúng ta phải chuyển đổi qua lại giữa các nhiệm vụ, điều đó giết chết hiệu suất và năng suất.  

Đa nhiệm luôn bắt chúng ta phải trả giá cho mỗi lần chúng ta dừng công việc này và nhảy sang một cái khác. Theo tâm lý học, sự trả giá đó được gọi là switching cost hay chi phí luân chuyển.

Switching cost phá hỏng năng suất làm việc. Vì khi chúng ta xoay chuyển luân phiên giữa các công việc, đầu óc chúng ta phải định hình lại thông tin cũ để xử lý thông tin mới. Nó còn ảnh hưởng đến tinh thần làm việc. Giải quyết nhiều công việc một lúc làm cho chúng ta cảm thấy quá tải, kiệt quệ và mệt mỏi.

Và khi quen với việc luân phiên thay đổi đó, bạn khó có thể tâp trung vào một công việc. Một nghiên cứu vào năm 2003 đã chỉ ra rằng nếu một người cứ 5 phút lại check mail một lần, thì trung bình sẽ tốn thêm 64 giây để quay trở lại công việc trước đó.

Thay vào đó, chỉ năm phút chuyên tâm thực hiện một nhiệm vụ độc nhất (monotasking) cũng có thể tăng đáng kể năng suất, dù tập trung vào một nhiệm vụ có vẻ khó khăn.

Logic tương tự áp dụng cho thói quen. Chúng ta có thể muốn thay đổi cuộc sống của mình, nhưng chúng ta cần bắt đầu với một thói quen duy nhất. Các nhà khoa học ở Đại học California đã chứng minh rằng theo đuổi nhiều thói quen mới khiến chúng ta dễ thất bại với tất cả hơn.

Những người làm việc hiệu quả cao như Napoleon chỉ tập trung vào nhiệm vụ hiện tại và một mục tiêu lớn ở một thời điểm. Bạn có thường xuyên bị phân tâm trong công việc? Bạn có thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ?

Những người thành công tránh được việc chuyển qua chuyển lại giữa các nhiệm vụ vốn dĩ tốn thời gian không đáng có. Bạn không thể là vận động viên đẳng cấp thế giới trong cả năm môn thể thao. Bạn không thể xây dựng năm công ty cùng một lúc. Bạn có nguồn lực hạn chế, và chúng chỉ tạo nên hiệu quả lớn nhất khi được tập trung vào một việc.

Mặt khác, khi dành sự chú tâm với một công việc, một nhiệm vụ và hoàn thành xong nó, bạn sẽ cảm thấy hài lòng và nhẹ nhõm vì cảm giác bạn không chỉ hoàn thành xong công việc, mà còn hoàn thành nó một cách xuất sắc.

Đặt nguồn lực vào một mục tiêu trọng tâm khiến bạn có khả năng đạt được thành công cao hơn. Cố gắng đa nhiệm chỉ làm giảm sút cơ hội thành công của bạn. Như Napoleon đã nói về chiến tranh, nghệ thuật nằm ở chỗ tập trung hỏa lực thật mạnh mẽ vào một điểm nhất định. Lời nói của ông đúng cả trên chiến trường lẫn trong phòng họp.

Theo Phong Linh/Diễn đàn Doanh nghiệp