1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Học phí tăng chất lượng có tăng?

Từ ngày 1/12/2015, học phí giáo dục đại học (ĐH) sẽ tăng dần theo lộ trình từng năm học. Nhiều người hy vọng tăng học phí sẽ tạo điều kiện cho các trường phát triển. Tuy nhiên, về phía sinh viên (SV) và phụ huynh, đây lại là gánh nặng đè lên vai.

Tăng dần theo từng năm

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 86/2015/NĐ-CP Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.

Theo đó, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên được tính theo khối ngành, chuyên ngành đào tạo.

Giờ thực hành của sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Giờ thực hành của sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Cụ thể, khối ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản là 1,75 triệu đồng/tháng/SV (từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2017 - 2018), 1,85 triệu đồng/tháng/SV (từ năm học 2018 - 2019 đến năm học 2019 - 2020), 2,05 triệu đồng/tháng/SV (năm học 2020 - 2021).

Học phí khối ngành Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch là 2,05 triệu đồng/tháng/SV (từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2017 - 2018), 2,2 triệu đồng/tháng/SV (từ năm học 2018 - 2019 đến năm học 2019 - 2020), 2,4 triệu đồng/tháng/SV (năm học 2020 – 2021).

Tương tự, học phí khối ngành Y dược là 4,4 triệu - 4,6 triệu – 5,05 triệu đồng.

Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo khối ngành, chuyên ngành đào tạo được quy định:

Khối ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản 610.000 đồng/tháng/SV (năm học 2015 - 2016), 670.000 đồng (năm học 2016 - 2017), 740.000 đồng (năm học 2017 - 2018), 810.000 đồng (năm học 2018 - 2019), 890.000 đồng (năm học 2019 - 2020), 980.000 đồng (năm học 2020 - 2021).

Tương tự, học phí khối ngành Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch là 720.000 - 790.000 - 870.000 - 960.000 - 1,06 triệu – 1,17 triệu đồng.

Học phí khối ngành Y dược là 880.000 - 970.000 - 1,07 triệu - 1,18 triệu - 1,3 triệu - 1,43 triệu đồng.

Kỳ vọng cải thiện chất lượng đào tạo

Đón nhận thông tin học phí tăng, nhiều SV bày tỏ không đồng tình bởi mức học phí hiện tại đã quá cao so với thu nhập của gia đình, nhất là các em ở khu vực vùng sâu xa. Những SV đang theo học các trường được thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, mức học phí hiện tại phải đóng đã gấp gần 3 lần so với năm học trước.

Cụ thể, học phí của ĐH Ngoại thương Hà Nội năm học 2014 - 2015 khoảng 5 triệu đồng/năm/SV, năm học 2015 - 2016 tăng lên 14,5 triệu đồng. Và theo Nghị định 86, tháng 12/2015, mức học phí các em phải đóng sẽ tăng thêm nữa.

Trao đổi về nội dung này, một tân SV khoa Thương mại quốc tế của trường cho biết: “Vừa rồi em đóng 7,5 triệu đồng tiền học phí học kỳ 1, cộng thêm vài khoản khác đã quá cao rồi. Hôm qua, em xoay sở mãi mới có 400.000 đồng đóng tiền quỹ đoàn và quỹ lớp. Giờ lại tăng học phí, em không biết phải làm sao. Nhà em ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội), thu nhập của gia đình chỉ đủ sống nên em phải ở nhờ phòng trọ. Em không thể đi làm gia sư kiếm tiền, vì phải đầu tư cho việc học tiếng Anh”.

Đồng quan điểm, Vũ Duy Thịnh - SV năm thứ nhất khoa Thương mại quốc tế không đồng tình với tăng học phí vì tạo thêm gánh nặng cho bố mẹ. Thịnh cho rằng, tăng học phí nhưng chưa chắc chất lượng đào tạo của các trường đã tăng, bởi thực tế các điều kiện về tiêu chuẩn còn chưa đảm bảo.

“Em hy vọng nhà trường sẽ cải thiện nhanh chất lượng đào tạo. Cụ thể, lớp học các môn hành chính từ 146 người sẽ được giảm xuống để chúng em không phải ngồi 4 người 1 bàn rất nóng bức, chật chội; thời gian thực hành được tăng lên; môn ngoại ngữ có giảng viên nước ngoài đứng lớp”.

Tăng học phí có đồng nghĩa với nâng cao chất lượng đào tạo hay không?

Phó Trưởng phòng đào tạo (xin không nêu tên) của một trường ĐH có thương hiệu thừa nhận: “Tăng học phí là điều kiện để các cơ sở đào tạo đã có quy hoạch cũng như chiến lược phát triển có thể đầu tư đội ngũ, trang thiết bị, cải thiện đời sống giáo viên. Tuy nhiên, đối với những trường có cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đảm bảo thì không thể nâng cao chất lượng”.

Nói về việc tăng học phí, TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội cho rằng: Học phí tính đủ rất khó, bởi vì mô hình đào tạo của các trường khác nhau, nên chất lượng và chi phí khác nhau.

Có những trường không có ngân sách cấp, thu trên cơ sở tính đủ thì SV không vào, đồng nghĩa với càng khó khăn, cho nên phải hài hòa. Hiện nay, Nhà nước đang khuyến khích học nghề, bởi trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Chính phủ, phấn đấu đến năm 2020, trong 55% lực lượng lao động sẽ có 78% qua đào tạo nghề.

Như thế thì trong 10 người đi học sẽ có 8 người học nghề, 2 người học ĐH. Thế mà bây giờ thì ngược lại. Vậy cần có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy số người đi học nghề. Thường, những người đi học nghề bởi không đỗ ĐH, không đủ tiền học ĐH, rút ngắn thời gian học đi làm việc nhanh kiếm tiền. Vì thế, tăng học phí đối với học nghề thì chưa hẳn là bài toán tốt.

Học phí mầm non, phổ thông 8.000 - 300.000 đồng/tháng

Theo Nghị định 86, khung học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2015 - 2016 được quy định: vùng thành thị từ 60.000 - 300.000 đồng/tháng/học sinh; vùng nông thôn từ 30.000 - 120.000 đồng/tháng/học sinh, vùng miền núi từ 8.000 - 60.000 đồng/tháng/học sinh. Từ năm học 2016 - 2017 trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ KH&ĐT thông báo.

Theo Báo Kinh tế đô thị