Học hỏi từ nghe kể chuyện

Huấn luyện nhân viên bằng phương pháp dùng chuyện kể đã khá phổ biến từ lâu rồi. Tuy vậy, vấn đề chọn câu chuyện kể ra sao và làm sao biết những chuyện kể ấy sẽ có tác dụng đối với nhân viên của mình là vấn đề mà cấp quản lý luôn chú ý.

Học hỏi từ nghe kể chuyện - 1

Trong quyển sách viết về chuyện kể để huấn luyện nhân viên của Margaret Parkin, tác giả – nhà tư vấn về đào tạo và phát triển (Anh) đã chia sẻ về mối quan hệ giữa câu chuyện kể với việc học hỏi vô thức của con người trong bối cảnh đó.

Bà nhắc đến nhà thơ và cũng là một triết gia Đức, Goethe, từng nói về chuyện này: “Sự trưởng thành của một con người chính là lúc họ quay trở về với tính nghiêm túc của những đứa trẻ khi chúng vui chơi”.

Nếu ai từng quan sát trẻ con vui chơi, sẽ nhận ra rằng với trẻ đó là việc vô cùng nghiêm túc, đòi hỏi sự tập trung cao độ. Ở người lớn, việc lắng nghe và bị thu hút hoàn toàn vào một câu chuyện, nhất là nếu câu chuyện được kể một cách hấp dẫn, sẽ giúp làm giảm đi căng thẳng và tạo cảm giác dễ chịu, thư giãn. Và khi con người thư giãn, họ thường tiếp thu tốt hơn, học hỏi và ghi nhớ thông tin dễ dàng hơn nhiều.

Người ta thường nghĩ rằng ở trạng thái nhận thức, hoàn toàn tỉnh táo sẽ là trạng thái tốt nhất để học hỏi, nhưng nghiên cứu lại cho thấy chính lúc thư giãn người ta lại học hỏi tốt hơn. Việc ngồi nghe một câu chuyện hay tất nhiên là dễ chịu và thư giãn rồi, nên đó chính là thời điểm tốt để đầu óc mở ra và sẵn sàng học hỏi.

Thế mạnh của câu chuyện kể nằm ở chỗ, đi sau phần nhận thức là phần vô thức sẽ đón lấy ý nghĩa luân lý hoặc thông điệp từ câu chuyện kể. Đó là một cảm nhận mà bạn có thể gặp khi quá mê say với một hoạt động nào đó đến mức quên bẵng thời gian, không gian và chính mình, giống như bị “hút” hoàn toàn vào hoạt động ấy.

Quan sát những người mới học dùng internet chẳng hạn, bạn sẽ thấy có lúc họ như quên thời gian, khi được “dạo chơi” trong đại dương thông tin mênh mông mà họ chưa từng trải nghiệm. Đó cũng được xem là trạng thái tối ưu nhất để học hỏi.

Kết quả học hỏi sẽ có tác dụng tốt nhất khi thỏa các điều kiện sau:

Có thử thách: không quá dễ, không quá khó, thực sự có được động lực và tự mình muốn như vậy. Ít bị áp lực: không phải là hoàn toàn không có áp lực, chỉ là ít áp lực thôi, xuất hiện một cảm nhận đang hoàn toàn thư giãn. Trôi theo “dòng chảy”: có sự tập trung vào học hỏi và làm theo, không phải tập trung vào mình hoặc để ý đâu là nhiệm vụ phải làm.

Ngay từ những năm 1960, một nghiên cứu của Roger Speny về hoạt động của hai bán cầu não cũng từng đề cập giá trị của câu chuyện kể trong việc học hỏi vô thức. Nói gọn lại là xem như bán cầu não trái lãnh trách nhiệm về ngôn ngữ, logic và những trình tự, còn bán cầu não phải lãnh phần về âm nhạc, hình ảnh và những ý tưởng bay bổng.

Thực ra, nếu đi vào chi tiết sẽ phức tạp hơn nhiều, nhất là nếu muốn phân ranh giới tách bạch giữa hai phần này. Càng về sau, các nghiên cứu càng cho thấy là tuy bán cầu não trái thường được cho là sẽ xử lý thông tin nhanh hơn phía bên phải nhưng cả hai đều tham gia vào hầu hết hoạt động của con người, và người huấn luyện nhân viên cần chọn các câu chuyện kể có thể khuyến khích phát triển cả hai phần như nhau.

Từ những tham khảo đó, việc chọn nội dung câu chuyện kể đã được Arthur Deikman tóm tắt trong quyển sách The Observing Self (Quan sát chính mình) năm 1982 của ông. Ông khuyên là nội dung câu chuyện phải mời gọi cả hai bán cầu não, để bán cầu não trái xử lý chuỗi câu từ và phân tích tình tiết trong câu chuyện, còn bán cầu não phải sẽ lo phần hình ảnh và hình dung ra các mẫu hình, để có được sự sáng tạo và thoáng đạt nhất khi tiếp thu “hồn” của câu chuyện…

Theo Doanh nhân Sài gòn