1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hỗ trợ sinh viên khuyết tật tiếp cận giáo dục đại học

​Theo kết quả khảo sát gần đây nhất thì đa phần người khuyết tật (NKT) Việt Nam có trình độ học vấn thấp, chưa đến 0,1% có trình độ đại học. Không chỉ vì nghèo khó nên ít NKT theo đuổi việc học, cái chính là vì môi trường giáo dục còn quá nhiều rào cản với NKT.


Bà Lưu Thị Ánh Loan cho biết chưa đến 0,1% NKT có trình độ đại học

Bà Lưu Thị Ánh Loan cho biết chưa đến 0,1% NKT có trình độ đại học

Bà Lưu Thị Ánh Loan, Giám đốc Trung tâm Khuyết tật & Phát triển (DRD), cho biết: “DRD nhận thấy hầu hết sinh viên khuyết tật (SVKT) vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức khi tham gia học tập tại các trường ĐH,CĐ như: cơ sở hạ tầng không thuận tiện, thủ tục xin miễn giảm học phí, miễn giảm môn học phức tạp, thiếu các phương tiện, công cụ để tìm các tài liệu bằng chữ nổi hoặc âm thanh…”.

Em Trần Phú, sinh viên khiếm thị trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, cũng bày tỏ: “Việc thay đổi cách học và giảng dạy trong các trường ĐH, CĐ đã gây không ít khó khăn đối với những bạn khiếm thị như em trong việc tìm kiếm tư liệu và học ngoại ngữ. Việc dạy bằng cách trình chiếu slide khiến em chỉ có thể cố gắng nghe được câu nào hay câu đó chứ không thể theo kịp tiến độ học trên lớp”.

Bà Lưu Thị Ánh Loan cho biết thêm: “Nhiều trường ĐH,CĐ tại Việt Nam hiện giờ vẫn chưa có dịch vụ dành riêng hỗ trợ SVKT, khiến cho sinh viên gặp nhiều khó khăn, rất nhiều trường hợp phải bỏ nửa chừng dù khả năng học tập rất tốt! Chỉ đơn giản như việc bố trí phòng học, phòng thi cho SVKT vận động trên lầu cao mà không có thang máy thì đã chặn biết bao nhiêu SVKT ngoài cánh cửa đại học”.


SVKT lo lắng về việc không thể theo kịp chương trình học vì phương pháp giảng dạy mới

SVKT lo lắng về việc không thể theo kịp chương trình học vì phương pháp giảng dạy mới

Xuất phát từ những nhu cầu thiết thực đó, DRD đã hợp tác cùng Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn và Đại học Sư phạm TPHCM triển khai dự án “Tiếp cận giáo dục dành cho SVKT” với sự tài trợ của Đại sứ quán Ireland. Dự án này đã chính thức ra mắt vào chiều 31/3, sẽ hỗ trợ cho 60 SVKT của 2 trường trong quá trình học tập tại đây.

Bà Lưu Thị Ánh Loan cho biết: “Trung tâm sẽ tạo cơ hội cho các sinh viên tiếp cận giáo dục, tích cực hỗ trợ những dịch vụ cá nhân khác để có thể dễ dàng trong việc đi lại. Dự án sẽ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, tạo môi trường thân thiện để các SVKT hòa nhập với cộng đồng”.


Lễ kí kết thỏa thuận hợp tác của các đơn vị thực hiện dự án hỗ trợ SVKT học tập

Lễ kí kết thỏa thuận hợp tác của các đơn vị thực hiện dự án hỗ trợ SVKT học tập

Cũng tại buổi lễ ra mắt dự án, nhiều SVKT lo lắng về nơi thực tập, về việc làm sau khi ra trường… Về vấn đề này, bà Lưu Thị Ánh Loan cho biết dự án chỉ hỗ trợ cho SVKT trong quá trình học tập, nhưng nếu có nhu cầu việc làm sau khi ra trường, SVKT vẫn có thể liên hệ với bộ phận việc làm của DRD để nhờ giới thiệu, hỗ trợ.

Ông Bàng Anh Tuấn (Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và phát triển dự án quốc tế, ĐH KHXH&NV, cũng có lời khuyên: “Các bạn sinh viên nên hiểu rõ mình cần gì và đề ra những cách giải quyết mục tiêu cho bản thân, mình thích và có thể làm già để lựa chọn công việc sau này. Nhà trường sẽ là người định hướng, kết nối và sẵn sàng giới thiệu để các sinh viên có cơ hôi tìm việc làm ở các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng. Các bạn SVKT cần phải tin vào năng lực, trình độ của mình”.

Mỹ Dung - Kiều Diễm

TIN LIÊN QUAN:

Giai đoạn 2011-2015: 140.000 người khuyết tật được học nghề và tạo việc làm

Đây là số liệu được Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam công bố. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm, trong khoảng 140.000 người khuyết tật nêu trên, có gần 100.000 người được hỗ trợ dạy nghề, trên 2.500 người khuyết tật được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và gần 40.000 người được tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm... Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam là cơ quan điều phối cấp cao các hoạt động về chính sách, hỗ trợ NKT.

Được biết, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 1717/QĐ-TTg ngày 6/10/2015 Trong nhiệm vụ cụ thể giai đoạn 2016-2020, Ủy ban đặt mục tiêu rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về dạy nghề, tạo việc làm; chế độ chính sách đối với cán bộ hỗ trợ người khuyết tật, nhân viên làm công tác xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện chính sách cho người khuyết tật; quy hoạch hệ thống các trung tâm trợ giú người khuyết tật; tăng cường các giải pháp giúp người khuyết tật tham gia các công trình giao thông, công cộng...

V.N

Miễn, giảm giá vé cho NKT tới bảo tàng, khu di tích

Theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều 11 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP, người khuyết tật đặc biệt nặng được miễn giá vé, giá dịch vụ khi trực tiếp sử dụng dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch tại các cơ sở văn hóa, thể thao sau đây: Bảo tàng, di tích văn hóa - lịch sử, thư viện và triển lãm; nhà hát, rạp chiếu phim; các cơ sở thể thao khi diễn ra các hoạt động thể dục, thể thao trong nước; các cơ sở văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch khác. Đồng thời, người khuyết tật nặng được giảm tối thiểu 50% giá vé, giá dịch vụ khi trực tiếp sử dụng dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch tại các cơ sở văn hóa, thể thao.

H.T