1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hé lộ về quy định phụ cấp đóng bảo hiểm xã hội năm 2016

(Dân trí) - Chỉ còn 2 ngày nữa là sang năm 2016 - ngày 1/1/2016 - Luật BHXH 2014 sẽ có hiệu lực với việc bổ sung thêm phụ cấp vào “giỏ” tính BHXH. Dù thông tư hướng dẫn mức lương và phụ cấp đóng BHXH chưa ban hành, nhưng về cơ bản không khó có thể đoán được quy định cụ thể.


Phụ cấp tính BHXH sẽ là phụ cấp đầu vào

Phụ cấp tính BHXH sẽ là phụ cấp" đầu vào"

Trao đổi với báo giới chiều 28/12, bà Trần Thị Thúy Nga - vụ trưởng Vụ Bảo Hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã cho biết, theo quy định của Luật BHXH năm 2014, có hiệu lực từ 1/1/2016, BHXH sẽ tính trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động. “Trước đó, quy định chỉ tính BHXH trên mức lương trong hợp đồng”.

Quy định mới này sẽ có thể tác động tới mức đóng BHXH của hàng triệu lao động cũng như gần 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động (trong đó số doanh nghiệp tham gia BHXH chiếm gần 50%)

Chính bởi vậy, việc tính toán sẽ phải được cân nhắc kỹ. Đặc biệt, xác định loại phụ cấp nào được đưa “giỏ” tính BHXH là một điều phải cân nhắc với các chuyên gia. “Khi xác định phụ cấp để tính BHXH, tôi cho rằng cần lưu ý tới các yếu tố như độ phức tạp, điều kiện lao động, điều kiện sinh hoạt. Loại phụ cấp nào có tính ổn định hơn sẽ được tính để đóng BHXH” - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân nói.

Theo bà Trần Thị Thúy Nga, Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH vừa được Bộ LĐ-TB&XH ban hành đã ghi rõ loại phụ cấp “đầu vào” và “đầu ra”. Đặc biệt, phụ cấp lương để tính BHXH sẽ được xác định trên cơ sở các khoản phụ cấp “đầu vào”.  Cụ thể là các khoản quy định điểm a, Khoản 2 Điều 4 của Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Giải thích lý do không chọn các khoản phụ cấp “đầu ra” cũng được ghi trong TT 47/2015/TT-BLĐTBXH, bà Trần Thị Thúy Nga cho rằng:  “Các khoản “đầu ra” thường không ổn định và phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh, căn cứ vào quá trình hoạt động của người lao động. Điều này sẽ khó trong tác nghiệp của cơ quan BHXH cũng như doanh nghiệp và người lao động”.


Bà Trần Thị Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Bảo Hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) 

Bà Trần Thị Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Bảo Hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) 

“Không phải tất cả các khoản mà người lao động cầm về sẽ bị đóng BHXH. Như vậy, điều này sẽ giúp doanh nghiệp sẽ có khả năng chịu đựng và không còn hoang mang” - bà Trần Thị Thúy Nga hy vọng doanh nghiệp sẽ được giải tỏa tâm lý ít nhiều.

Theo quan điểm của vụ BHXH, việc “gom” các loại phụ cấp để tính BHXH sẽ không ôm đồm. “Các khoản tiền thưởng sáng kiến, hỗ trợ đi lại, xăng xe, nhà ở, nuôi con hoặc hỗ trợ khác sẽ không được tính BHXH” - nữ vụ trưởng Vụ BHXH nói.

Cũng theo Vụ BHXH, mức đóng trung bình BHXH của người lao động hiện nay chỉ khoảng 4 triệu đồng. “Khi nghỉ hưu, người lao động chỉ có thể lĩnh tối đa 75 % của mức trên. Như vậy vẫn còn rất khiêm tốn và cuộc sống còn khó khăn. Chính vì vậy, việc cân nhắc nâng mức đóng BHXH thông qua việc bổ sung phụ cấp và khoản bổ sung và cách để nâng lương hưu cho người lao động”  - bà Trần Thị Thúy Nga nói.

Nhằm tránh “cú sốc” cho doanh nghiệp, lộ trình đóng BHXH sẽ được giãn ra trong 2 năm. Theo đó, tới năm 2018, mức đóng BHXH mới bao gồm: Mức lương, phụ cấp và khoản bổ sung khác.

“Khi đó, chúng tôi cũng sẽ chỉ tính tới các khoản bổ sung “đầu vào” giống như cách tính phụ cấp như trên để tính BHXH” - bà Trần Thị Thúy Nga nói.

Theo điểm a, khoản 2, Điều 4 của Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH, phụ cấp lương, ghi các khoản phụ cấp lương mà hai bên thỏa thuận, cụ thể: Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

Hoàng Mạnh