Hành trình nhọc nhằn của các tài năng trẻ

Đinh Tuấn Hoàng, Nguyễn Thế Hoàn là những gương mặt tài năng trẻ đạt huy chương vàng olympic Vật lí, Toán học quốc tế vừa được vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc vừa qua.

Câu ngạn ngữ nổi tiếng của phương Tây “không có bữa trưa nào miễn phí” đúng với nhiều trường hợp và càng đúng hơn với những gương mặt trẻ tài năng vừa được vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước. Họ, những người trẻ ấy đã gặt hái được vinh quang sau  hành trình nhọc nhằn, cần mẫn đeo bám mục tiêu rất rõ ràng trong học tập.

Câu chuyện thứ nhất: Từ nhỏ đã cảm nhận được sự vất vả của bố mẹ khi chứng kiến việc bố mẹ phải bốc dỡ hàng hóa hàng ngày cho một doanh nghiệp nhỏ, hình ảnh bố trở về nhà mỗi chiều muộn với chiếc bánh mì trên tay là suất ăn trưa mà bố đã nhịn để mang về cho con, Nguyễn Thế Hoàn đã tự nhủ phải cố gắng học thật giỏi.

Từ đó, Hoàn đã quyết tâm chuyển trường nhiều lần để chọn ra một nơi học phù hợp nhất. Cuối năm cấp 2, Hoàn đăng kí vào trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội và trúng tuyển.

Chàng trai trẻ Nguyễn Thế Hoàn. Ảnh: D.Hà
Chàng trai trẻ Nguyễn Thế Hoàn. Ảnh: D.Hà

Bố mẹ Hoàn đã khăn gói đưa con lên Hà Nội nhằm tạo cơ hội để Hoàn có thể đeo đam mê toán học. Chứng kiến những vất vả nhọc nhằn của công việc phụ hồ mà bố mẹ làm hàng ngày Hoàn càng quyết tâm học tập và  đạt được tấm huy chương vàng quốc tế Toán học.

Nguyễn Thế Hoàn chia sẻ “tôi sẽ tiếp tục ước mơ còn đang dang dở, đó là đi du học. Sau đó là  trở thành một nhà nghiên cứu toán học”.

Câu chuyện thứ hai: Đinh Tuấn Hoàng có ước mơ trở thành bác sĩ để cứu người. “Sinh ra trong một gia đình có mẹ, chị gái, anh rể đều làm việc trong ngành y, chứng kiến cảnh nhiều bệnh nhân đau đớn, sự sống mong manh, tôi thấy phải làm điều gì đó để giúp đỡ họ”- Đinh Tuấn Hoàng, một bạn trẻ vừa giành được tấm Huy chương vàng Olympic Hóa quốc tế cho biết.

Đinh Tuấn Hoàng. Ảnh: laodong.com
Đinh Tuấn Hoàng. Ảnh: laodong.com

Từ những trải nghiệm, Hoàng nói, thí sinh Việt Nam còn yếu về khâu thực nghiệm bởi những thiếu thốn, hạn chế trong các phòng lab. Điều này khiến cho đoàn Việt Nam ít nhiều bị thiệt thòi khi so tài với bạn bè quốc tế .

Câu chuyện thứ ba: Còn nhớ năm ngoái, tạp chí công nghệ danh tiếng Technology Review – trường Đại học MIT Hoa Kì đã tôn vinh nhà khoa học trẻ Lê Viết Quốc, người hiện đang làm việc tại Google. Quốc là  người Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng toàn cầu TR35 dành cho 35 nhà sáng tạo trẻ dưới 35 tuổi có cống hiến xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ.

Lớn lên tại một ngôi làng nhỏ ở Hương Thủy, Thừa Thiên Huế, nơi vẫn chưa có điện, để có thể học tập, Quốc phải đến một thư viện để có cơ hội nghiên cứu về những phát minh thông qua những trang sách em có thể tìm ở đó. Đây cũng là nơi để cậu bé nghèo xây dựng mơ ước một ngày nào đó sẽ có những phát minh của riêng mình.

Lê Viết Quốc
Lê Viết Quốc

Đến năm 14 tuổi, Quốc cho rằng nhân loại sẽ được giúp đỡ bởi cỗ máy đủ thông minh để có khả năng tự sáng chế. Chính suy nghĩ này đã ảnh hưởng đến kế hoạch tương lai khi Quốc chọn con đường nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, một chuyên ngành khó và đầy mới mẻ với cả phương tây.

Lê Viết Quốc đã quyết tâm và giành được học bổng của Trường Đại học Quốc gia Australia (Úc) và sau anh tiếp tục lên đường làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ) chuyên ngành nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo.

Tại môi trường học thuật có uy tín này, Quốc đã xây dựng phần mềm tự động học hỏi “deep learning” cho phép thiết lập một mạng lưới máy tính mô phỏng tế bào thần kinh với quy mô lớn gấp 100 lần thông thường.

Những nỗ lực của Quốc đã thu hút sự chú ý của “gã khổng lồ” Google. Hiện tại công nghệ của Lê Viết Quốc đang được sử dụng trong hệ thống phần mềm tìm kiếm hình ảnh và nhận diện giọng nói của Google. Anh trở thành một trong những nhân vật quan trọng nhất của Dự án trí tuệ nhân tạo của Google.

Ba con người đang đi trên 3 con đường khách nhau, nhưng họ có chung một điểm là tuổi trẻ và khát vọng. Họ đều biết xác định con đường đi và đích đến rất rõ ràng bắt đầu từ môi trường học tập. Ai cũng biết, để có được tấm huy chương vàng quốc tế hoặc một sản phẩm có tác động xã hội như “deep learning” không bao giờ là chuyện dễ dàng, thích là được, có tiền là được. Điều cần hơn cả đó là họ phải có nỗ lực, phải dám đeo bám đam mê không ngừng nghỉ trong hành trình cuộc đời ngay từ khi còn rất trẻ.

Theo Báo Vietnamnet.vn