1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hải Phòng: Gần 20 y bác sĩ, dược sĩ nghỉ làm vì bị nợ lương

(Dân trí) - Bức xúc vì bị nợ lương và phụ cấp đã nhiều tháng nay, 18 bác sĩ, dược sĩ, nhân viên thuộc một bệnh viện trên địa bàn TP Hải Phòng đã đồng loạt nghỉ làm.

Hải Phòng: Gần 20 y bác sĩ, dược sĩ nghỉ làm vì bị nợ lương - 1

Các y, bác sĩ đã nhiều lần gửi đơn đến lãnh đạo bệnh viện 

Nợ lương, nợ cả phụ cấp

Theo đó, 18 y, bác sĩ đang làm việc tại một số khoa, phòng thuộc Bệnh viện giao thông vận tải (trụ sở tại KM 40 đường 5 mới, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) đã đồng loạt nghỉ làm vào sáng ngày 22/6.

Theo phản ánh, từ đầu năm 2020 đến nay, các y, bác sĩ này, tập thể người lao động của bệnh viện mới chỉ nhận được 2 tháng lương. Nhóm lao động nêu trên cũng chưa nhận được khoản phụ cấp nghề nghiệp (theo qui định bằng 40% tiền lương) từ năm 2019 tới nay.

Không chỉ nợ lương và nợ phụ cấp nhiều tháng, bệnh viện còn xảy ra tình trạng không cung cấp đủ thuốc, vật tư thiết yếu cho bệnh nhân ở một số thời điểm. Dẫn đến chất lượng điều trị cho bệnh nhân bị ảnh hưởng.

32 y, bác sĩ thuộc bệnh viện đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới lãnh đạo bệnh viện nhưng không được giải quyết.

Do đó, ngày 19/6, nhiều người đã làm đơn xin nghỉ tự túc với lý do không được trả lương, phụ cấp. Đến ngày 22/6, một số y, bác sĩ đã nghỉ làm.

Hải Phòng: Gần 20 y bác sĩ, dược sĩ nghỉ làm vì bị nợ lương - 2

Sở Y tế có văn bản hỏa tốc yêu cầu Bệnh viện GTVT dừng việc chạy thận nhân tạo 

Lãnh đạo Bệnh viện giao thông vận tải tại Hải Phòng thừa nhận, tình trạng thu không đủ bù chi đã xảy ra sau khi bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính vào đầu năm 2019. 

Năm 2020, tình hình tài chính của bệnh viện ngày càng khó khăn, mất cân đối hơn do ảnh hưởng của dịch Covid 19, ít bệnh nhân đến khám chữa bệnh và điều trị... Dẫn đến việc không có nguồn để trả lương và phụ cấp cho người lao động.

Lý giải về tình trạng có dấu hiệu thiếu thuốc điều trị, vị lãnh đạo này cho biết, bệnh viện vẫn duy trì, cung cấp các loại thuốc thiết yếu. Tuy nhiên vị này cũng thừa nhận, đối với những loại thuốc không thiết yếu thì người nhà bệnh nhân tự mua bên ngoài.

Theo phía bệnh viện, Ban giám đốc của bệnh viện nhận được đơn của 32 y, bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật viên, người lao động trong bệnh viện xin nghỉ việc tự túc vào ngày 19/6. Tuy nhiên do là ngày cuối tuần, Ban giám đốc chưa có hướng giải quyết thì sáng ngày 22/6 đã xảy ra sự việc.

Phía bệnh viện cũng cho biết thêm, đã đề nghị cấp trên tăng cường và đã được bổ sung thêm y, bác sĩ để đảm bảo việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Tạm dừng việc chạy thận nhân tạo tại bệnh viện

Cũng theo phản ánh của tập thể y, bác sĩ tại bệnh viện này, hiện có 50 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại bệnh viện. Tuy nhiên, máy móc, thiết bị, nhất là máy chạy thận đều được đầu tư từ lâu và có dấu hiệu không được nâng cấp đầy đủ, dẫn đến nguy cơ thiếu an toàn cho người bệnh khi chạy thận.

Nhận được phản ánh trên, ngày 22/6, Sở Y tế TP Hải Phòng đã có văn bản hỏa tốc về việc kiểm tra Bệnh viện Giao thông vận tải gửi Cục Y tế, Bộ GTVT, Bảo hiểm xã hội thành phố.

Hải Phòng: Gần 20 y bác sĩ, dược sĩ nghỉ làm vì bị nợ lương - 3

Văn bản hỏa tốc của Sở Y tế

Theo đó, sở này đã nhận được phản ánh về tình hình máy chạy thận có vấn đề cần phải kiểm tra và khắc phục.

Do đó, để đảm bảo an toàn và quyền lợi cho bệnh nhân, Sở Y tế đề nghị: Cục Y tế, Bộ GTVT khẩn trương thành lập Đoàn kiểm tra bệnh viện trên về toàn bộ hoạt động chuyên môn, cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, các qui chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật thực hiện tại bệnh viện.

Sở Y tế cũng yêu cầu Bảo hiểm xã hội thành phố, rà soát lại về nhân lực, trang thiết bị tại bệnh viện Giao thông vận tải trong việc ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT cho người bệnh.

Cùng ngày 22/6, Sở Y tế cũng có văn bản hỏa tốc về việc chuyển bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Giao thông vận tải về Bệnh viện Đa khoa Quốc tế và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp.

Theo đó, sở yêu cầu Bệnh viện Giao thông vận tải, trong thời gian kiểm tra lại máy chạy thận nhân tạo, bệnh viện tạm dừng việc chạy thận nhân tạo và chuyển ngay bệnh nhân về Bệnh viện Đa khoa Quốc tế và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp. Sau khi kiểm tra xong hệ thống máy, bệnh viện báo về Sở Y tế để được tiếp tục nhận bệnh nhân về điều trị tại bệnh viện.

Theo chỉ đạo, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp có kế hoạch tiếp nhận bệnh nhân chạy thận nhân tạo được chuyển từ Bệnh viện Giao thông vận tải chuyển đến.

Bệnh viện giao thông vận tải tại Hải Phòng là Bệnh viện cấp 3, quy mô 120 giường bệnh. Bệnh viện thuộc Cục y tế - Bộ Giao thông vận tải. Bệnh viện này thực hiện cơ chế tự chủ tài chính từ 1/1/2019. 

An Nhiên