Hà Tĩnh: Vay nóng tiền đi XKLĐ không thành, hàng chục hộ dân nghèo khốn đốn

(Dân trí) - Trót tin lời ve vãn nộp tiền để được ra nước ngoài làm việc với lương cao, nhiều hộ dân nghèo ở Hà Tĩnh đã vay hàng trăm triệu đồng mong được đổi đời. Nhưng chờ mãi, con em họ không thể xuất ngoại, nợ nần chồng chất. Người lao động đang mong các cơ quan chức năng vào cuộc.

Trót tin, nộp tiền và... ngồi chờ

Hơn một năm qua, gia đình bà Trần Thị Hoa, trú xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh sống trong cảnh khốn đốn, nợ nần chồng chất. Tai ương ập đến gia đình bà Hoa do thiếu hiểu biết, cả tin vào những kẻ lừa đảo xuất khẩu lao động trên địa bàn.

Cuộc sống của gia đình bà Hoa khá chật vật vì sống ở vùng quê thiếu đất canh tác, ngư trường ngày càng cạn kiệt. Đang lúc khó khăn, gia đình bà Hoa được một người ở xã Hộ Độ (cùng huyện Lộc Hà, đang làm thủ tục cho con trai đi Hàn Quốc) giới thiệu có Công ty TNHH cung ứng lao động và thương mại Tiến Phát (tại số nhà 11, đường Vũ Quang, TP. Hà Tĩnh) đưa người đi Hàn Quốc.

Ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Lao động và Việc làm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Hoạt động của Công ty TNHH cung ứng lao động và thương mại Tiến Phát do ông Phạm Văn Tiến làm Giám đốc vi phạm pháp luật. Do không có chức năng XKLĐ, không được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép và Sở LĐ-TB&XH cũng không cấp phép".

Ngày 20/10/2014, bà cùng con trai là Nguyễn Ngọc Sang đến trụ sở Công ty Tiến Phát để làm thủ tục cho con đi lao động Hàn Quốc. Tại đây, ông Phạm Văn Tiến, đại diện cho Công ty Tiến Phát, đã ký bản cam kết với anh Nguyễn Ngọc Sang.

Nội dung cam kết: Sẽ đưa anh Sang “đi du lịch Hàn Quốc, xuất cảnh chậm nhất trong tháng 11/2014, ở lại lưu trú tại Hàn Quốc trong vòng một tháng kể từ ngày xuất cảnh.

Trong Biên bản cam kết này, ông Tiến cam kết đưa anh Sang qua Hàn Quốc vào tháng 11/2014, nhưng đến nay đã hơn một năm, anh sang vẫn chỉ... ở nhà.
Trong Biên bản cam kết này, ông Tiến cam kết đưa anh Sang qua Hàn Quốc vào tháng 11/2014, nhưng đến nay đã hơn một năm, anh sang vẫn chỉ... ở nhà.

Theo cam kết, phí xuất cảnh là 11.500 USD, trong đó gia đình phải nộp trước 2.000 USD, số tiền còn lại sẽ nộp sau khi lao động có visa và lịch xuất cảnh. Sau đó phía công ty Tiến Phát liên tục thúc giục bà Hoa nộp đủ tiền để anh Sang được qua Hàn Quốc sớm.

Từ ngày 20/10/2014 đến ngày 09/01/2015, bà Hoa chạy vạy, vay mượn của bà con, anh em rồi đến nộp cho công ty Tiến Phát 6 lần với tổng số tiền 205 triệu đồng.

Bà Hoa khốn đốn vì trót đưa tiền cho ông Phạm Văn Tiến, đại diện Công ty Tiến Phát. Nhiều tháng nay bà Hoa không thể liên lạc được với ông Tiến.
Bà Hoa khốn đốn vì trót đưa tiền cho ông Phạm Văn Tiến, đại diện Công ty Tiến Phát. Nhiều tháng nay bà Hoa không thể liên lạc được với ông Tiến.

Nhưng không như cam kết, con trai bà Hoa đã không xuất cảnh được. Bà Hoa nhiều lần lặn lội đi đòi lại tiền thì đến nay Công ty Tiến Phát mới trả lại 90 triệu đồng trong 5 lần.

Khi bà Hoa đến đòi số tiền còn lại là 115 triệu đồng, ông giám đốc đều tránh mặt, gọi điện thì ông này hứa suông và khất lần.

Phiếu thu tiền Công ty Tiến Phát giao cho bà Hoa
Phiếu thu tiền Công ty Tiến Phát giao cho bà Hoa

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Thúy Vân có con trai là Dương Hải Quân và cháu là Nguyễn Bảo Quốc (trú xã Thạch Long, huyện Thạch Hà) cũng vay mượn được hơn 200 triệu đồng mang đến nộp cho ông Tiến.

Đến nay, con và cháu bà Vân vẫn không đi được Hàn Quốc, nhiều lần đến đòi lại tiền và chỉ lấy lại được 1.000 USSD và 53,5 triệu đồng. Số tiền còn lại đang biến mất “không tăm hơi” cùng ông giám đốc Công ty Tiến Phát.

Giấy nhận tiền Công ty Tiến Phát giao cho người nộp, nạn nhân Dương Hải Quân.
Giấy nhận tiền Công ty Tiến Phát giao cho người nộp, nạn nhân Dương Hải Quân.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, ông Nguyễn Mạnh Thịnh, trú xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, nộp cho Công ty Tiến Phát số tiền 238 triệu đồng. Nhưng đến nay, ông Thịnh mới đòi lại được 60 triệu đồng, số tiền còn lại chưa biết bao giờ mới lấy được?

Chết đứng vì ông cán bộ xã “dẻo miệng”

Cùng thời điểm hàng loạt hộ dân nghèo rơi vào cảnh nợ nần vì trót giao tiền cho “công ty lừa” Tiến Phát, nhiều hộ dân khác ở huyện Lộc Hà lao đao vì tin vào ông Nguyễn Văn Hồng, cán bộ thống kê xã Thạch Kim vốn được biết đến với cái tên “Hồng Singapo”.

Với tài ăn nói, giao du rộng, vị cán bộ này đã tạo cho mình một vỏ bọc có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động qua Singapo có thu nhập cao. Tổng cộng 19 hộ dân ở huyện biển ngang này đã tin vào lời y để rồi có nguy cơ mất trắng hàng tỷ đồng.

Ông Đường Văn Thái (55 tuổi, trú xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) cho biết, tháng 5/2014, ông được ông Hồng giới thiệu có thể kết nối đưa người đi XKLĐ sang Singapore với chi phí 8.000USD/người. Người lao động được bao ăn ở, nhận lương 1.500 USD/tháng, làm việc nhẹ nhàng trong khách sạn và gia hạn visa hàng năm.

Vì trót tin lời ông cán bộ xã đầy mánh khóe, mà gia đình ông Đường Văn Thái hiện rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
Vì trót tin lời ông cán bộ xã đầy mánh khóe, mà gia đình ông Đường Văn Thái hiện rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Tin tưởng, ông Thái về vay ngân hàng, thế chấp tài sản để có tiền cho con trai và con gái đi xuất khẩu lao động Singapore. Biết chuyện, 9 người cháu là con dì, cô, cậu... cũng nhờ ông Thái đăng ký giùm.

Sau khi đăng ký, ông Hồng yêu cầu đặt cọc trước 5.000USD/người và cam kết sau 2 tháng thu tiền sẽ đưa người lao động sang làm việc. Nếu không, sẽ trả lại tiền đầy đủ. Trước hứa hẹn đó, 11 người đã nộp 55.000USD tiền cọc cho ông Hồng.

Quá hạn cam kết 2 tháng chưa đi được, nhiều người lo lắng, hỏi han thì được trấn an, chịu khó chờ đợi thêm thời gian nữa. Đến tháng 11.2014, ông Hồng thông báo đã có lịch bay, lao động nộp thêm 3.000USD/người. Lúc này, 9 người vẫn nộp thêm 27.000 USD cho ông Hồng.

Theo thông báo của ông Hồng, ngày 21/12/2014, 9 người đã nộp đủ tiền đi vào Sài Gòn để chuẩn bị bay, nhưng chờ mãi vẫn không đi được. Cuối cùng, ông Hồng nói: “đơn hàng Singapore giờ không đi được nữa”. Mọi người bức xúc trở về quê và đòi rút lại tiền thì ông Hồng trả lời: “tiền đã nộp cho đối tác ở nước ngoài, chưa rút được”.

Giấy nhận tiền mà ông Nguyễn Văn Hồng đã nhận của một trong số các thành viên trong gia đình ông Thái.
Giấy nhận tiền mà ông Nguyễn Văn Hồng đã nhận của một trong số các thành viên trong gia đình ông Thái.

Ông Hồng lại giới thiệu có mối đi Hàn Quốc hợp pháp với chi phí 15.000 USD, làm việc thời hạn 2 năm. Những người đã nộp tiền mà không đi được Singapore nếu đăng ký sang Hàn Quốc khi sang tới nơi sẽ nộp thêm 7.000USD/người.

Tin lời ông Hồng đã có 2 người chấp nhận bay sang Malaysia, nhưng chờ mãi không quá cảnh sang được Hàn Quốc đành về nước. Sau sự việc, mọi người quá bức xúc đến đòi rút lại tiền thì ông Hồng hứa hẹn hết lần này đến lần khác.

Trao đổi với PV, ông Thái nói: “Đến nay còn 942 triệu nhưng không đòi lại được. Tôi thế chấp đất đai, nhà cửa để vay Ngân hàng 500 triệu đồng, nếu ông Hồng không trả nay mai Ngân hàng lấy nhà thì cả gia đình không biết ở đâu”.

Một trường hợp khác trót tin vào Nguyễn Văn Hồng là bà Mai Thị Nga, 47 tuổi, Thạch Bằng, Lộc Hà. Gia đình bà Nga có hoàn cảnh rất khó khăn. Do tin lời ông Hồng nên thế chấp bìa đất vay Ngân hàng và vay lãi nóng để có 16.000 USD cho 2 đứa con trai đi Singapo.

Người thì không đi được, hơn 2 năm đi đòi lại tiền nhưng ông Hồng không trả. Ông Trần Ngọc Lành chồng bà Nga nói: “Tôi thì bệnh hiểm nghèo, lãi hàng tháng lên đến 4 triệu đồng, hàng ngày vợ tôi chạy chợ không đủ tiền để trả”.

Theo tìm hiểu của PV, với 19 gia đình sập bẫy, Nguyễn Văn Hồng đã gom tổng cộng hơn 4 tỷ đồng.

PV Dân trí sẽ tiếp tục cung cấp thông tin vụ việc trong những bài tiếp theo.

Được biết, hiện tất cả các nạn nhân trong các vụ lừa đảo nói trên đã gửi đơn tố cáo đến Cơ quan điều tra công an TP Hà Tĩnh, huyện Lộc Hà đề nghị các đối tượng trên phải trả lại tiền, xử lí nghiêm hành vi chiếm đoạt tài sản.

Hà Phương - Tiến Hiệp