1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hà Nội: Ngăn chặn kịp thời hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT

Cùng với chế tài xử lý nghiêm khắc tội gian lận BHYT, Hà Nội cũng đã đưa ra nhiều chỉ đạo nhằm tăng cường chống gian lận, trục lợi quỹ BHYT trong thời gian tới.

TS Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế vừa có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trong và ngoài công lập tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phòng chống gian lận, trục lợi quỹ BHYT.

Trong những năm qua, Quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã đã bị vượt chi nhiều tỷ đồng. Cụ thể, năm 2016, vượt chi Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là hơn 368 nghìn tỷ đồng, năm 2017 gần 360 nghìn tỷ đồng và tính đến thời điểm này là khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

TS Nguyễn Khắc Hiền cho biết, cùng với việc các đơn vị tự kiểm tra, giám sát, Sở Y tế sẽ kiểm tra đột xuất để ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT, bảo vệ quyền lợi cho người bệnh, uy tín của ngành y tế và phát huy hiệu quả của chính sách BHYT.

Theo đó, Sở Y tế sẽ yêu cầu các đơn vị tích cực kiểm tra, chấn chỉnh công tác lập hồ sơ bệnh án, kê đơn, cấp thuốc BHYT, không để xảy ra tình trạng lập hồ sơ bệnh án khống, kê đơn khống để chiếm dụng tiền của quỹ BHYT. Quản lý, kiểm tra việc chỉ định sử dụng thuốc, xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật… cho người bệnh có thẻ BHYT chỉ được thực hiện sau khi trực tiếp khám bệnh; kê đơn chỉ định dùng thuốc phải đảm bảo an toàn, hợp lý và phù hợp với chẩn đoán bệnh.

Hà Nội: Ngăn chặn kịp thời hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT - 1

Các đơn vị thuộc ngành Y tế sẽ kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện. Kiểm soát việc kê đơn, sử dụng thuốc, chỉ định xét nghiệm, chỉ định dịch vụ kỹ thuật và việc tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc người bệnh. Đối với các trường hợp bệnh lý thông thường chưa đến mức độ phải nằm viện điều trị nội trú chuyển bệnh nhân điều trị ngoại trú hoặc bố trí giường bệnh ban ngày.

Các đoàn thanh tra sẽ kiểm tra các bảng kê chi phí khám chữa bệnh của người bệnh nhằm đảm bảo tính chính xác và các bảng kê chi phí phải có chữ ký xác nhận của người bệnh theo đúng quy định. Mọi cơ sở y tế công khai bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để người bệnh biết và thực hiện.

Cơ sở khám chữa bệnh không được thu thêm của người bệnh chi phí đã tính trong cơ cấu giá và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các đơn vị chỉ được thu các chi phí vật tư, hóa chất chưa tính vào giá, phần đồng chi trả theo quy định của người có thẻ BHYT hoặc phần chênh lệch giữa giá thanh toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội và giá khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh; thực hiện chuyển gửi dữ liệu lên cổng tiếp nhận thường xuyên, liên tục, ngay trong ngày sau khi kết thúc khám chữa bệnh theo đúng quy định; công khai, minh bạch các danh mục dịch vụ y tế và giá các dịch vụ y tế, kịp thời phát hiện những sai sót, trùng lặp trong thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT để chấn chỉnh, xử lý.

Hiện nay, Luật Hình sự cũng đã có chế tài xử lý những trường hợp gian lận BHYT. Cụ thể, Điều 215 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), quy định về tội gian lận BHYT quy định hành vi chiếm đoạt tiền BHYT từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Đó là các hành vi lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc không hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; Giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT giả, thẻ bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ BHYT trái quy định.

Theo Minh Đức/VTV.VN