1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hà Nội: Hơn 7.100 lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp

(Dân trí) - Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), qua 4 tháng đầu năm 2016, số lượng lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2015. Riêng quý 1/2016, số lượng đã đạt 7.113 người, tăng gần 2.000 người so với cùng kỳ năm 2015.


Người lao động đăng ký tìm việc tại TT DVVL Hà Nội

Người lao động đăng ký tìm việc tại TT DVVL Hà Nội

Số lượng đăng ký giảm so với quý 4/2015

Đây là số liệu được TT DVVL Hà Nội công bố cuối tháng 4 về tình hình đăng ký trợ cấp thất nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2016. Tuy nhiên, nếu so với Quý 4/2015, số lượng hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong Quý 1/2016 vẫn ít hơn 15 %.

Phân tích theo tháng, báo cáo của TT DVVL Hà Nội cho thấy: Số lượng người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) trong tháng 3/2016 là 3.122 người, tăng 1,88 lần so với tháng 2/2016; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng 3/2016 là 2.990 người, tăng 1,89 lần so với tháng 2/2016.

Tỷ lệ về loại hình doanh nghiệp, tổ chức của người lao động khi thất nghiệp. Công ty TNHH có 3.823 người (55%), công ty cổ phần: 2.566 người (37%), tổ chức nước ngoài: 60 người (0.8 %); doanh nghiệp Nhà nước: 400 người (5.8 %).

Các nguyên nhân chính khiến một số công ty có đông lao động nghỉ việc bởi: Thay đổi cơ cấu thu hẹp sản xuất kinh doanh, chuyển địa điểm sản xuất kinh doanh, giảm số chi nhánh hoặc giải thể phá sản…

Thống kê của Phòng Bảo hiểm thất nghiệp (TT DVVL Hà Nội) trong những tháng đầu năm 2016, một số công ty có người lao động nghỉ việc số lượng lớn với lý do như: Công ty TNHH Panasonic Industrial Devices VN với 197 lao động, công ty TNHH Microsoft Mobile VN với 86 lao động; công ty TNHH Hicel Vina với 57 lao động; công ty TNHH Flexcom Việt Nam với 166 lao động; công ty CP gạch ngói Thạch Bàn với 98 lao động, công ty CP Dệt Mùa Đông với 76 lao động; Chi nhánh Công ty CP Bột giặt Lix với 43 lao động ….

Trên cơ sở phân loại, TT DVVL Hà Nội đã xét duyệt 6.849 trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, trình độ đại học trở lên là: 2.462 người (chiếm 35.95 %); cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp là: 552 (chiếm 8.06 %); trung cấp, trung học chuyên nghiệp là: 899 người (chiếm 13.13 %); lao động phổ thông (lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật): 2.671 người (chiếm 39 %)…

Về thủ tục giải quyết BHTN trong 3 tháng qua, TT DVVL đã có nhiều nỗ lực có nhiều cải tiến về cải tiến thủ tục hành chính, hỗ trợ người lao động tới đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. (Xem Clip kèm bài).

Cảnh báo tình trạng nợ BHTN

Cũng liên quan đến thông tin BHTN, vừa qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH và Tổng LĐLĐ VN đã công bố kết quả rà soát việc thực hiện chính sách BHTN, BHXH trên địa bàn 6 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng tháp và An Giang.

Qua đó cho thấy, tình trạng nợ BHTN, BHXH đã trở nên báo động không chỉ ở Hà Nội mà đã lan rộng trên phạm vi toàn quốc.

Theo đó, tại 16 doanh nghiệp được đoàn thanh tra tới làm việc cho thấy: Tổng số tiền nợ BHXH, BHTN của các doanh nghiệp lên tới hơn 31 tỉ đồng, có 7/16 doanh nghiệp đăng ký và tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN chưa đầy đủ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp.

Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, các doanh nghiệp dệt may, thủy sản vi phạm quy định này nhiều nhất và thường chỉ đóng BHXH, BHTN cho người lao động sau 12 tháng làm việc tại doanh nghiệp.

Có 1.985 người lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHTN bắt buộc nhưng doanh nghiệp chưa đăng ký tham gia đóng BHXH.

Đối với những doanh nghiệp nợ tiền BHXH, ông Mai Đức Chính cho rằng ngành công đoàn và cơ quan BHXH nên xem xét những trường hợp điển hình cùng đề nghị khởi kiện theo quy định của Luật Tố tụng hình sự sửa đổi. "Có như vậy mới có thể thúc đẩy việc giải quyết tình trạng nợ BHXH hiện nay" - ông Mai Đức Chính nói.

CLIP: Ông Nguyễn Toàn Phong - GĐ TT DVVL Hà Nội nói về công tác nâng cao chất lượng tư vấn, cải tiến trong giải quyết thủ tục đăng ký BHTN:

Ông Nguyễn Toàn Phong - GĐ TT DVVL Hà Nội,đánh giá hiệu quả cải tiến trong giải quyết thủ tục đăng ký BHTN.

Hoàng Mạnh

TIN VẮN:

Từ 1/1/2016: Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đóng BHXH bắt buộc

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các hợp đồng sau thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc:

Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc theo hình thức thực tếp nâng cao tay nghề; Hợp đồng cá nhân.

H.M

Áp dụng cơ chế mới về quản lý tài chính về bảo hiểm thất nghiệp

Đây là nội dung của Thông tư số 20/2016/TT- BTC hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Đối tượng áp dụng của Thông tư số 20/2016/TT- BTC là các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an; TT DVLL tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức bảo hiểm thất nghiệp trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH được giao thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi chung là tổ chức bảo hiểm thất nghiệp). Theo Thông tư số 20/2016/TT- BTC hàng tháng, cơ quan BHXH chuyển tiền vào tài khoản của tổ chức làm đại lý chi trả để tổ chức làm đại lý chi trả tự rút tiền từ tài khoản của mình và thực hiện chi trả cho người thụ hưởng theo các thỏa thuận trong hợp đồng đã ký. Tổ chức làm đại lý chi trả chịu trách nhiệm chi trả đúng, đủ, kịp thời và bảo đảm an toàn tiền mặt trong việc chi trả đến người thụ hưởng. Trong thời gian thực hiện hợp đồng chi trả đã ký, cơ quan BHXH có trách nhiệm cử cán bộ kiểm tra, giám sát việc chi trả. Việc thanh toán chi phí chi trả của cơ quan BHXH cho tổ chức làm đại lý chi trả thực hiện theo quy định Thông tư.

K.C

TP HCM: Hơn 1,138 triệu người tham gia BHYT hộ gia đình

Ngày 13/4, HĐND TPHCM đã có buổi giám sát triển khai BHYT hộ gia đình tại quận 7. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, tính đến hết năm 2015, TPHCM đã có 1.023.381 người tham gia BHYT hộ gia đình, tăng 12,46% so với năm 2014. Mỗi tháng, TPHCM có thêm 9.451 người tham gia BHYT. Tính đến hết tháng 3.2016 đã có 1.138.377 người tham gia BHYT hộ gia đình, tăng 11,24% so với năm 2015, bình quân tăng 38.332 người tham gia BHYT trong 1 tháng.

Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP HCM, người dân chỉ mua BHYT khi có người trong gia đình phát sinh bệnh. Do đó, quỹ khám-chữa bệnh BHYT bội chi cho đối tượng này rất lớn. Cụ thể, năm 2015 bội chi 1.765 tỉ đồng. Mặt khác, khi lập hồ sơ tham gia BHYT, do thực hiện theo nguyên tắc “người dân tự khai, tự chịu trách nhiệm” nên có những người không khai đủ số người trong hộ gia đình nhằm giảm bớt số tiền đăng ký bảo hiểm. Tại buổi làm việc, đại diện Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM - đã ghi nhận những bất cập được người dân phản ánh trong việc triển khai chính sách BHYT hộ gia đình, nhất là những gia đình nhập cư làm nghề lao động tự do tại thành phố. Đồng thời, Ban Văn hoá - xã hội HĐND TP HCM đề nghị BHXH TP phải phối hợp với chính quyền địa phương các quận - huyện để từng bước tháo gỡ khó khăn, xây dựng quy trình thủ tục giúp người dân tham gia BHYT dễ dàng, thuận tiện hơn.

B.A

Người lao động cần được giải thích về việc bị thu thẻ BHYT

Hơn 800 công nhân (CN) Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Đức Thành (phường Tân Kiểng, quận 7, TP HCM) đã nhận được thông báo từ ban giám đốc đề nghị trả lại thẻ BHYT và chốt sổ BHXH, hôm 19/4.

Theo phản ánh của tập thể người lao động, thông báo đã khiến tập thể CN hoang mang vì công ty không nói rõ lý do thu thẻ cũng như các quyền lợi được giải quyết thế nào. Đồng thời, người lao động sẽ được hưởng các chế độ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động sẽ được giải quyết như thế nào khi CN không có thẻ BHYT như thế nào…Theo một lãnh đạo công ty, thời gian qua, công ty liên tục gặp khó khăn về đơn hàng. Tuy nhiên, đến hết ngày 30/4, công ty vẫn bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho CN. Sau ngày 30/4, nếu tình hình đơn hàng không cải thiện, công ty buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết đầy đủ quyền lợi cho CN.

N.D