1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Giáo viên mong có tháng lương thứ 13

(Dân trí) - Dự báo tết năm nay, những người làm việc trong các ngành hàng không, dầu khí, thuế vụ, ngân hàng… tiền thưởng tết chắc chắn sẽ “đậm” không thua mọi năm.

Những ngành nghề “hot” này, vài năm nay tiền thưởng tết cho nhân viên mức thấp nhất từ 5-10 triệu đồng, mức cao nhất 40-50 triệu đồng, có nơi cao nhất lên đến hơn cả trăm triệu đồng. Mới đây, nhiều tờ báo đưa tin, một doanh nghiệp ơ Hà Nội thưởng tết Canh Dần 2010, mức cao nhất 337 triệu đồng.

 

Đọc những thông tin trên người làm nghề giáo viên không khỏi ngậm ngùi, tủi thân. Bởi lẽ, với hàng trăm ngàn giáo viên không hề có khái niệm thưỏng tết, tức là không hề có một đồng nào cả, ngoài lương. Trong khi cả năm trời giáo viên cũng làm việc vất vả như bao ngành nghề khác, vậy mà tết đến là không khỏi ngậm ngùi.

 

Thực tế vẫn có một số trường thưởng tết cho giáo viên nhưng chẳng bõ bèn gì. Có trường thưởng tết cho giáo viên chai dầu ăn, ký hạt dưa, gói mì chính. Có trường thưởng tết cho giáo viên 50.000 ngàn đồng. Trường nào giàu thì giáo viên được thưởng 500.000 ngàn, cá biệt có trường giáo viên được thưởng 2 triệu đồng.

 

Năm ngoái một trường ở Quảng Ngãi thưởng tết 300.000 ngàn. Trước “sự kiện” này, một giáo viên tâm sự trên báo chí rằng: “Chưa bao giờ trường thưởng tết đậm như thế này. Vậy là tết này có tiền mua cho con bộ đồ mới”. Nghe mà chua xót.

 

Số  tiền thưởng tết cho giáo viên chỉ là chai dầu ăn, gói mì chính, là vài trăm ngàn…khiến nhiều người chua xót, cảm thương. Thế nhưng số tiền còm đó cũng chỉ một bộ phận giáo viên được nhận. Thực tế vẫn còn hàng trăm ngàn giáo viên trên cả nước không có một đồng thưởng tết, đành ngậm ngùi “nuốt nước mắt vào trong”, ôm nỗi đau không lo được cho gia đình cái tết ấm cúng.

 

Này đây mấy ngàn giáo viên mầm non lương tháng trên dưới 1 triệu đồng thì làm sao lo được mâm cơm cúng ông bà, chút qùa biếu nội ngoại hai bên, hay sắm tấm áo mới cho con thơ?

 

Này  đây, hàng chục ngàn giáo viên tiểu học thường xuyên túng thiếu vì đồng lương qúa thấp. Này đây, rất nhiều giáo viên dạy môn phụ sống giữa thị thành đắt đỏ không có thu nhập gì thêm ngoài đồng lương thì làm sao lo được cái tết đủ đầy?

 

Đặc biệt, hàng chục ngàn giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, nơi đời sống gia đình học sinh còn nhiều khó khăn, phụ huynh lo cái ăn chưa đủ thì làm sao lo được cái tết cho thầy? Còn nữa, rất nhiều giáo viên ở dải đất miền Trung nghèo khó, năm nay đối mặt với nhiều thiên tai, còn chưa gượng dậy được sau bão lũ thì làm sao không ngậm ngùi “nuốt nước mắt vào trong”  khi tết đến xuân về?

 

Còn nhớ tết năm ngoái, bộ trưởng Bộ GD-DT Nguyễn Thiện Nhân đã có thư chúc tết cho giáo viên toàn ngành và kêu gọi chính quyền các cấp, các đoàn thể xã hội, các mạnh thường quân hãy góp phần lo tết cho giáo viên để thầy cô “bớt đi những giọt nước mắt chảy ngược vào lòng khi tết đến”. Nghe mà chua xót, cám cảnh! Chẳng lẽ giáo viên- những người giữ trọng trách chăm lo sự nghiệp trồng người, đào tạo nguồn nhân lực phát triển đất nước lại phải ngửa tay nhận đồng tiền từ thiện của những tấm lòng hảo tâm? Lẽ ra giáo viên phải được chăm lo, xứng đáng được thụ hưởng đời sống vật chất và tinh thần đầy đủ để họ thực hiện tốt trọng trách của sự nghiệp trồng người vì sự phát triển bền vững của dân tộc.

 

Thế  nên, tết năm nay, giáo viên mong muốn người đứng đầu ngành không đứng ra kêu gọi mọi người góp phần giúp đỡ giáo viên đón tết mà nên đề xuất với Chính phủ có chính sách chăm lo quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của giáo viên. Cần có một chính sách hẳn hoi để họ cũng đàng hoàng nhận tháng lương thứ 13 như bao người lao động khác.

 

Được biết, ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục không phải là nhỏ, nhưng đó đây ở nhiều khâu, nhiều nơi vẫn còn sự thất thoát, lãng phí. Vì thế, nếu kiểm soát tốt, giảm thất thoát, lãng phí thì sẽ có thêm một khoản tiền để lo cho đời sống của giáo viên, nhất là trong bối cảnh thực hiện chủ trương “ 3 công khai”, “tự chủ chủ tài chính” và “đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục” như hiện nay thì đó là điều kiện thuận lợi cho việc chăm lo, cải thiện đời sống của giáo viên.

 

Hơn nữa, Đảng ta cũng đã xác định rằng: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển”. Vì thế không thể không chăm lo cho đội ngũ giáo viên đảm bảo đời sống để họ toàn tâm cho công việc nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Thế  thì mong ước giáo viên có tháng lương thứ  13 lẽ nào lại không thể trở thành hiện thực? Xin đừng để họ một lần nữa trong phút giao thừa sắp tới phải “nuốt nước mắt vào trong”!

 

Phạm Được