Giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tới năm 2019

Tại Nghị quyết số 34/NQ-CP ban hành ngày 7/4 về Phiên họp thường kỳ tháng 3/2017, Chính phủ đã thống nhất đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động tại Điều 57 Luật Việc làm từ 1% xuống còn 0,5%.

Giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tới năm 2019 - 1

Mức giảm này tính trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, thời gian thực hiện việc điều chỉnh kể từ ngày Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2019.

Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ khẩn trương tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn tất thủ tục xây dựng Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết trên.

Trước đó, tại Phiên họp Chính phủ tháng 10/2016, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề xuất giảm 1% tỉ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ tai nạn bệnh nghề nghiệp (tương ứng với 5.400 tỉ đồng), nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và tạo thêm việc làm.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, số kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp là đến hết năm 2015 là 48.900 tỉ đồng. Riêng trong năm 2015, ước tính thu 9.470 tỉ đồng, chi 4.800 tỉ đồng. Tỉ lệ số chi/thu năm 2015 chiếm 50 %.

Theo quy định của Luật Việc làm, mức đóng 2 % vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động đóng 1 % và người sử dụng lao động đóng 1 %.

Tác động tích cực tới doanh nghiệp, tạo việc làm

Theo đánh giá tác động của Bộ LĐ-TB&XH, việc điều chỉnh giảm 0,5 % tỉ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ có hiệu ứng tốt cho người sử dụng lao động, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tạo thêm việc làm.

Cụ thể: Giảm 0,5% tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động sẽ làm giảm thu của quỹ khoảng 2.400 tỉ đồng/năm. Điều này đồng nghĩa với việc người sử dụng lao động (các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đang tham gia bảo hiểm xã hội) giảm được 2.400 chi phí tiền đóng mỗi năm.

Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị giảm 0,5 % tỉ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, thực trạng cân đối quỹ bảo hiểm thất nghiệp thời gian qua cho thấy tỷ lệ chi/thu có xu hướng tăng từng năm, đến năm 2015 đạt 51%.

Số kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp là đến hết năm 2015 là 48.901 tỉ đồng.

Nhận định trong đề xuất gửi Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, nếu giảm 0,5% tỉ lệ đóng của người sử dụng lao động vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp thì số thu quỹ sẽ giảm khoảng 2.400 tỉ đồng/năm, làm cho tỉ lệ chi/thu tăng lên khoảng 70% (tính theo tương quan mức thu, chi của năm 2015).

Trên cơ sở đó, đề xuất khẳng định, với tốc độ tăng thu, chi như giai đoạn vừa qua, nếu không có nội dung tăng chi đột biến thì việc giảm 0,5% tỉ lệ đóng trong một vài năm tới quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo cân đối thu chi.

Đánh giá tổng thể, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, nếu tăng chi đột biến thì trong một số năm tới số thu quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong năm vẫn đảm bảo số chi và có kết dư.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Tuyên truyền chính sách BHTN tại Tây Bắc

Cuối tháng 3/2017, tại Lai Châu và Yên Bái, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền về chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Hội nghị có sự tham dự và chủ trì của đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, UBND tỉnh Lai Châu và Yên Bái. Hội nghị cũng thu hút hơn 200 đại biểu đại diện người sử dụng lao động, người lao động, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương về tham dự hội nghị. Tại Hội nghị, các chuyên gia đã trình bày những quy định mới về chính sách bảo hiểm thất nghiệp và giải thích các thắc mắc của người lao động, người sử dụng lao động về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động và những vấn đề lưu ý trong quá trình thực hiện. Hội nghị là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp và địa phương nâng cao hiểu thêm và nâng cao nhận thức về 4 chế độ của chính sách bảo hiểm thất nghiệp do Nhà nước ban hành.

B.H

Đề xuất 4 phương án xử lý nợ BHXH, BHTN

Bộ LĐ-TBXH vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về tình hình nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và đề xuất phương án bảo vệ quyền lợi BHXH của người lao động tại các doanh nghiệp (DN) giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn.

Theo đó, các phương xử lý bao gồm: Phương án 1: Số tiền nợ BHXH, BHTN còn thiếu, ngân sách nhà nước đóng bù; Phương án 2: Số tiền nợ BHXH, BHTN còn thiếu, dùng Quỹ BHXH đóng bù; Phương án 3: Nếu thu hồi được nợ sau thanh lý tài sản của DN mới xác nhận thời gian đã đóng BHXH, BHTN cho người lao động; Phương án 4: Phần còn thiếu được đảm bảo bằng tiền lãi phạt chậm nộp của các DN nợ đóng BHXH, BHTN. Trước đó, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội VN, tính đến ngày 31/12/2016, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của BHXH các tỉnh, thành phố (sau khi đã trừ số tiền do ngân sách nhà nước chậm đóng BHYT) là 7.580 tỷ đồng, bằng 3,22% kế hoạch thu, trong đó: Nợ BHXH 6.551 tỷ đồng (gồm 1.400 tỉ đồng nợ khó đòi do doanh nghiệp nợ đã phá sản, bỏ trốn).

V.B