Giám đốc bỏ lương 30 triệu về nuôi lươn, có tiền tỷ

Đang là giám đốc của 1 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với mức lương hàng tháng 30 triệu đồng, anh Nguyễn Thanh Tân (39 tuổi) đột nhiên bỏ việc về quê xây bể nuôi lươn. Anh Nguyễn Thanh Tân là nông dân đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long đưa lươn giống Việt Nam lên máy bay xuất khẩu qua Nhật Bản, Hàn Quốc...

Trại lươn giống mang tênThanh Tân do anh Nguyễn Thanh Tân gây dựng tại ấp Bình Hòa 1, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long...
Trại lươn giống mang tênThanh Tân do anh Nguyễn Thanh Tân gây dựng tại ấp Bình Hòa 1, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long...

Bị kêu là "khùng" khi về nuôi lươn

Kể về cơ duyên đến với nuôi lươn giống, anh Nguyễn Thanh Tân kể rất hào hứng : “Trông bây giờ ngon ăn vậy chứ hồi đầu chật vật và “te tua, bầm dập” lắm anh ơi. Lúc trước bỏ việc về nuôi lươn mình đâu có nhiều kinh nghiệm. Ba năm đầu thất bại dài dài, lỗ cả trăm triệu đồng, tưởng đâu phá sản rồi. May mà mọi người động viên, rồi bản thân cũng tự răn mình không được bản chí nên mới phát triển được như hôm nay đó anh…”.

Anh Nguyễn Thanh Tân giới thiệu về mô hình ươm nuôi lươn giống.
Anh Nguyễn Thanh Tân giới thiệu về mô hình ươm nuôi lươn giống.

Anh Nguyễn Thanh Tân kể, như bao đứa trẻ lớn lên ở miệt vườn sông nước, hồi nhỏ Tân đã mê nuôi các loại cá trê vàng lai, cá ba sa, cá lóc, ếch…đặc biệt là lươn. Tuy nhiên ước mơ ấy đã không thành khi anh đi học đại học, ra trường bươn chải kiếm việc làm và cuối cùng đảm nhận chức danh giám đốc kinh doanh của 1 công ty nước ngoài chuyên kinh doanh dừa tại Bến Tre. Lúc này anh Tân mới 29 tuổi và mức lương được trả cho chức giám đốc của anh khi đó là 30 triệu đồng.

Năm 2010, anh Nguyễn Thanh Tân đột ngột xin thôi việc bỏ về quê. Người trong công ty, rồi bà con lối xóm hỏi sao khi không bỏ chức giám đốc lương cao về quê làm gì. Anh Nguyễn Thanh Tân trả lời là về quê nuôi lươn. Nhiều người ngạc nhiên “ngã ngửa” rồi kêu, rầy anh là “khùng”.

Trong mỗi bể, anh Nguyễn Thanh Tân đang ươm nuôi hàng vạn con lươn giống.
Trong mỗi bể, anh Nguyễn Thanh Tân đang ươm nuôi hàng vạn con lươn giống.

Lý giải về quyết định “khùng”, anh Tân cho biết: “Quyết định thì đột ngột, nhưng được tôi suy ngẫm từ lâu. Tôi nghĩ lươn thương phẩm hiện nay bán rất có giá trên thị trường, nhu cầu tiêu dùng nội địa còn khá cao, trong khi đó số người nuôi so với các loại thủy sản khác lại ít hơn. Bên cạnh đó, nếu nuôi lươn thành công thì nguồn lãi ổn định, độ rủi ro thấp; không cần quá nhiều diện tích mặt bằng…”.

Anh Tân kể, ban đầu anh thuê 200m2 đất để làm bể thả nuôi 200 kg lươn giống mua tại tỉnh An Giang với tổng tiền là 70 triệu đồng. Sau 10 tháng nuôi, lươn chết hơn 80%, 20 % còn lại không lớn như mong muốn và anh Tân lỗ 60 triệu đồng.

Không nản chí, anh Tân tiếp tục nuôi lần 2 sau khi đã rút ra được vài kinh nghiệm và lần này tiếp tục lỗ thêm 30 triệu đồng. Trong 2 lần thất bại đều đến từ việc tỷ lệ lươn giống hao hụt rất lớn, số sống sót lớn lên bán chả được mấy đồng.

“Lúc này nhiều người kêu tôi “khùng” nhiều hơn. Đang làm giám đốc lương 30 triệu lại bỏ ngang đi nuôi lươn chi cho lỗ…Thú thực, có lúc tôi cũng nan nản, tính bỏ luôn. Nhưng rồi nghĩ, thôi gắng lần nữa xem thế nào…”, anh Tân thổ lộ.

Đến lần thứ 3 là năm 2012, anh Tân lại tiếp tục đầu tư nuôi lươn sau khi tham khảo, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm và lần này anh đã thành công với tỷ lệ lươn hao hụt chỉ xấp xỉ 5%. Số lươn sống thì lớn rất nhanh, khỏe mạnh, màu sắc bắt mắt, thịt chắc, thơm ngon…Thành công từ nuôi lươn thịt, anh Nguyễn Thanh Tân lại từng bước mày mò nghiên cứu cách cho lươn sinh sản và ươm nuôi lươn giống.

Công nhân trại lươn Thanh Tân đang chăm sóc lươn giống trong bể ươm nuôi.
Công nhân trại lươn Thanh Tân đang chăm sóc lươn giống trong bể ươm nuôi.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người nuôi lươn từ các tỉnh ĐBSCL, miền Đông Nam bộ đã tìm đến mua lươn giống từ trại Thanh Tân. Trước xu hướng phát triển khá thuận lợi của nghề nuôi lươn, anh Tân đã chuyển hướng tập trung vào việc sản xuất lươn giống từ những cặp lươn bố mẹ có tại trang trại của mình. Lúc này, anh mở rộng diện tích nuôi lươn lên 2.000m2 với trên 40 bể nuôi.

Bà Trần Thị Lài-người mua lươn ngụ ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vui vẻ cho hay: “ Tui mần ăn với cháu Tân đã 3 năm rồi. Lấy lươn giống ở đây chất lượng tốt, con lươn khỏe mạnh, mang về nuôi ít bị hao hụt. Khi nuôi, gặp sự cố gì nhấc điện thoại lên “a lô” là cháu Tân đây tư vấn xử lý được. So với nuôi cá, nuôi tôm ở quê tui thì nuôi lươn giờ lời hơn…”.

Trại lươn Thanh Tân luôn có khách hàng đến từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các tỉnh Đông Nam bộ tìm về mua lươn giống.
Trại lươn Thanh Tân luôn có khách hàng đến từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các tỉnh Đông Nam bộ tìm về mua lươn giống.

Vừa đưa tay lựa chọn những con tôm giống khỏe mạnh, ông Nguyễn Văn Tám, ngụ huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp bày tỏ: “ Trước tui chuyên nuôi ếch Thái, nhưng 2 năm nay đầu ra của ếch rất bấp bênh, có lứa bán lỗ nhiều. Nghe người mách nước, tôi sang đây tính mua khoảng 5.000 con lươn giống của anh Tân về nuôi. Mong rằng, với thị trường cho con lươn ổn định, nhà tui kiếm được đồng lời…”.

Đưa lươn Việt Nam "bơi" qua Nhật Bản, Hàn Quốc

Điều làm chúng tôi vô cùng ngạc nhiên là trong năm 2017 cơ sở Thanh Tân đã xuất khẩu được 16.000 con lươn giống chất lượng cao sang 2 thị trường châu Á được xem là khó tính là Nhật Bản và Hàn Quốc. Lươn giống của cơ sở Thanh Tân được đối tác đánh giá chất lượng tốt. Năm 2018 này, anh Tân cho biết sẽ xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc với tổng cộng 100.000 con lươn giống. “Ban đầu số lượng lươn giống xuất khẩu còn khiêm tốn, nhưng tôi tin 2 thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ còn nhiều cơ hội để tăng trưởng cho xuất khẩu lươn giống…”.

Năm 2017, một tin vui đối với những người nuôi lươn giống là cơ sở Thanh Tân đã xuất khẩu được 16.000 con lươn giống sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Năm 2017, một tin vui đối với những người nuôi lươn giống là cơ sở Thanh Tân đã xuất khẩu được 16.000 con lươn giống sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo anh Nguyễn Thanh Tân, từ năm 2014 đến nay, mỗi năm anh xuất bán khoảng 1 triệu con lương giống với mức giá dao động từ từ 2.000-4.000 đồng/con. Sau khi trừ hết chi chi phí thức ăn, tiền thuê người lao động, tiền vận chuyển…anh Tân còn lời xấp xỉ 1 tỷ đồng. Riêng năm 2017, do giá lươn giống tăng cao đột biến, mô hình nuôi lươn giống của anh Tân đã có lời trên 1,2 tỷ đồng. Cơ sở nuôi lươn giống của anh Nguyễn Thanh Tân còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người.

Trao đổi với chúng tôi, anh Tân cho biết thêm đã đầu từ thêm 4.000m2 để nâng gấp đôi qui mô cũng như sản lượng sản xuất lươn giống. Trong năm 2018, theo kế hoạch, cơ sở Thanh Tân sẽ cũng ứng ra thị trường 2 triệu con lươn giống, xây dựng hệ thống đại lý lươn giống tại một số tỉnh phía Bắc.

Theo Danviet.vn