Giả tị nạn để xin việc làm, công nhân ngừng việc vì giảm phụ cấp

(Dân trí) - Nhật Bản cảnh báo tình trạng giả xin tị nạn để tìm việc, 1.500 công nhân ở Nghệ An ngừng việc vì giảm phụ cấp, công nhân may phải làm hết sức để có lương 10 - 12 triệu đồng, bệnh nhân trả gần 20 triệu đồng viện phí vì quên đóng BHYT...là những thông tin "nóng" trong lĩnh vực việc làm tuần qua.

tien luong.jpg

 

Hơn 1.500 công nhân ngừng việc ở Nghệ An đã đi làm trở lại

Hơn 1.500 công nhân Công ty TNHH Haivina Kim Liên (KCN Nam Giang, huyện Nam Đàn, Nghệ An) đã đi làm trở lại sau khi ngừng việc để phản đối công ty. Đồng thời, Công ty đã giữ nguyên các khoản phụ cấp như từng thông báo cho công nhân.  

Trước đó, chiều ngày 26/2, hơn 1.500 công nhân tại Công ty TNHH HAI VINA Kim Liên, đóng tại huyện Nam Đàn, Nghệ An đã đồng loạt không làm việc tập trung tại sân công ty bày tỏ sự phản đối với ban lãnh đạo.

Một cuộc họp thỏa thuận tập thể giữa người sử dụng lao động là Công ty TNHH Haivina Kim Liên, đại diện công đoàn công ty, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn huyện Nam đàn và Công an tỉnh thống nhất một số nội dung về lương cơ bản; nâng bậc lương theo định kỳ; tăng trợ cấp hàng năm cho các bậc thợ chính, thợ phụ; giữ nguyên các phụ cấp cơ bản như xăng xe, nhà ở…( xem thêm )

Công nhân may làm hết sức mới đạt mức lương từ 10-12 triệu đồng

Theo bà Phạm Thu Lan, Viện Phó Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ VN), qua 2 phương pháp tính khác nhau, khảo sát cho thấy nếu tính cả tiền làm thêm giờ, khoảng từ 52-99 % công nhân cho biết mức lương thấp hơn không đủ sống.

Với công nhân may, tiền lương thực tế là lương theo sản phẩm. Nếu không đủ số sản phẩm định mức để được lương tối thiểu, công nhân được bù lương.

“Nếu chỉ tính công việc hoàn thành trong giờ làm việc tiêu chuẩn, không tính các khoản phụ cấp, lương thực tế của nhiều công nhân may được khảo sát không đủ sống ở mức cơ bản nhất” - bà Phạm Thu Lan cho biết…( chi tiết ).

Kỳ thi lần 1/2019 cho lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc

Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) vừa ra thông báo về lịch thi đợt 1/2019 cho lao động Việt Nam có nguyện vọng làm việc ở Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, nông nghiệp/chăn nuôi, xây dựng và ngư nghiệp.

Theo đó, Kỳ thi tiếng Hàn trên máy tính cho người lao động làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước đúng thời hạn (kỳ 1/2019) sẽ được tổ chức vào ngày 17/4 tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. ( cụ thể)

Cảnh báo tình trạng xin tị nạn để có việc làm tại Nhật Bản

Đại sứ quán Nhật Bản vừa gửi tới người lao động Việt Nam nhằm cảnh báo tình trạng lừa đảo người lao động về việc có thể sang làm việc tại Nhật Bản bằng visa tị nạn.

“Hiện tại chưa có một ai chỉ làm thủ tục xin chứng nhận tị nạn mà được cấp phép làm việc tại Nhật Bản. Vì thế các bạn đừng để bị lừa nhé…” - một phần nội dung của thông báo.

Theo đó, một số người môi giới xuất khẩu lao động có thể đã xúi giục với người lao động rằng “sau khi xin tị nạn 6 tháng thì có thể làm việc”. ( xem thêm )

Không có BHYT, một bệnh nhân trả gần 20 triệu đồng viện phí

Hai trường hợp bệnh nhân bị tai nạn giao thông cùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Bệnh nhân chưa tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) phải tự chi trả kinh phí tới gần 20 triệu đồng. Trong khi đó, bệnh nhân có thẻ BHYT chỉ phải thanh toán 20 % trong số gần 25 triệu đồng.

Theo chị Nguyễn Thị Liễu - Điều dưỡng trưởng, Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn, trường hợp bệnh nhân Lưu Quang Huy (Thôn Khòn Phổ, xã Mai Pha, TP Lạng Sơn) là một ví dụ. Cuối tháng 1/2019, Lưu Quang Huy bị tai nạn xe máy trên địa bàn tỉnh.

Do chưa tham gia BHYT, bệnh nhân Lưu Quang Huy đã phải chi trả hơn 17 triệu đồng. Cho tới khi ra viện, không rõ mức chi của bệnh nhân này sẽ là bao nhiêu.

Trong khi đó, bệnh nhân Nguyễn Tùng Dương (học sinh lớp 8A trường THCS Mai Pha, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn) bị tai nạn giao thông và phải điều trị ở bệnh viện đa khoa Lạng Sơn.

Do đang tham gia BHYT, gia đình bệnh nhân Nguyễn Tùng Dương chỉ phải chi trả 20 % trong tổng số tiền hơn 24 triệu đồng viện phí. ( chi tiết )

Hoàng Mạnh tổng hợp