1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gia Lai Xuân về, cùng bà con Ba Na đi "săn" rượu từ "lộc trời"

(Dân trí) - Xuân về, những bà con Ba Na làng Tờ Cách (xã Đắk Plinh, huyện Kông Chro, Gia Lai) lại khăn gói vào rừng lấy thức rượu đặc biệt từ cây Đóak. Cũng vì thế, bao đời nay, bà con luôn bảo vệ, chăm sóc cẩn thận hàng nghìn cây Đóak và xem đó là biểu tượng của buôn làng.

Săn rượu từ “lộc trời”

Những ngày tháng giêng, khi những bông lúa đã chất đầu kho, bà con người đồng bào dân tộc Ba Na (huyện Kông Chro, Gia Lai) lại cùng với nhau vào rừng sâu để lấy thứ rượu đặc biệt là rượu Đóak, từ chính cây Đóak. Đây cũng là thời điểm mà cây Đóak bắt đầu trổ bông, kết trái và cho ra thứ rượu cho thơm nồng nhất.

Già Đinh Ba Đét (50 tuổi, làng Tờ Cách, xã Đắk Plinh) nổi tiếng trong làng vì biết cách lấy để rượu Đoák trong vắt, thơm ngon. Già Đét được ví như chúa rừng, bởi mọi ngã ba, con suối, cây rừng và cả con thú đều thuộc trong lòng bàn tay.

Chính vì vậy, chúng tôi đã theo chân già Đét vào lấy rượu Đóak để về làm lễ cúng thần linh, cầu bình an cho cả gia đình trong dịp đầu năm.

Gia Lai Xuân về, cùng bà con Ba Na đi săn rượu từ lộc trời - 1

Già làng Đinh Ba Đét đã trèo lên cây Đoák cao gần 20m để lấy rượu

Khu rừng Đoák cách làng Tờ Cách hơn 6km nên từ 5h sáng, già Đét đã dậy sớm chuẩn bị nước và nắm xôi vào rừng. Hơn 2 giờ vượt dốc núi thẳng đứng, rừng Đoák hàng nghìn cây cao hơn 20 mét hiện ra trước mắt chúng tôi.

Nơi đây được người dân địa phương đặt là suối Đoák M’Tung và rừng Đoák nằm giữa hai ngọn núi lớn nhất của làng Tờ Cách.

Già Đét cho hay, cây Đoák nếu mọc xa bờ suối sẽ chảy ít rượu, quá gần suối thì rượu lại bị chua. Cây Đoák cho rượu ngon khi cách bờ suối khoảng 30 mét. Điều quan trọng, phải lấy rượu của những cây Đoák hơn 15 năm, vì giai đoạn này rễ cây đã đâm sâu vào lòng đất, vừa hấp thụ được nước suối và dinh dưỡng của núi rừng, sẽ cho hương vị sẽ thơm ngon, dịu nhẹ.

Mỗi mùa, rượu Đoák lại có hương vị đặc trưng khác nhau, có mùa vị chua, mùa vị ngọt. Nhưng ngon nhất vẫn là vào mùa xuân, độ ngọt vừa phải hoà với mùi thơm của phấn hoa rừng.

Gia Lai Xuân về, cùng bà con Ba Na đi săn rượu từ lộc trời - 2
Chỉ khoảng gần 30 phút đã lấy đầy 5 lít rượu Đóak để về thưởng thức trong các ngày xuân

Những cây Đoák ở suối Đoák M’Tung đã được người dân làm cầu thang ôm sát vào thân. Một người là chủ nhân của vài ba cây. Cây Đoák của ông Đét cao hơn 20 mét, mọc sừng sững bên những tảng đá. Cây Đoák này được ông tìm thấy cách đây sáu tháng trước, có buồng quả to, đều, phần cuống to hơn bình thường.

Già Đét chắc chắn rượu cây Đoák này sẽ ngon hơn rượu của những cây khác. Già nói: “Trước khi chặt buồng quả Đoák, cái rìu phải được mài thật bén. Chọn khoảng cách từ ngọn ra cuống khoảng hai gang tay. Chặt một nhát quyết đoán thì rượu ra mới nhiều và ngon”.

Gia Lai Xuân về, cùng bà con Ba Na đi săn rượu từ lộc trời - 3
Rượu Đoák có màu trắng đục, hương vị thơm ngon

Khi trèo lên đến ngọn, già Đét vung dao vào cây thì một dòng nước như sữa tươi ứa ra thành dòng. Lúc này, ông lôi chiếc can được buộc sẵn đưa lên ngọn cây để hứng. Hơn 10 phút, ông đã lấy đầy một chiếc can 5 lít.

Già Đét giải thích: “Đây chưa phải là rượu thật sự nên nó có vị chua, chát, ngọt. Phía trong can đang hứng kia có 1 ít rễ và lá cây rừng chỉ người Ba Na mới biết, có tác dụng lên men rượu Đóak. Mình hứng từ giờ tới trưa mai, nước trong can sẽ hòa cũng rễ- lá cây bên trong rồi lên men, khi đó mới thành rượu Đoák. Đối với cây mới lấy lần đầu, mỗi ngày, nó sẽ cho mình từ 10 đến 15 lít rượu Đoák”.

Gia Lai Xuân về, cùng bà con Ba Na đi săn rượu từ lộc trời - 4
Vì rượu Đóak tự nhiên mà thành nên bảo quản khoảng được 2 ngày

Già Đinh A Nhưp được 95 mùa rẫy và cũng là người con của núi rừng Đăk Plinh.

Già Nhưp nói: “Nếu như phát hiện những cây Đoák mới, trước khi lấy rượu người dân sẽ mang một con gà, bình rượu cần lên cúng tạ ơn Yàng (thần linh) đã cho cây. Hứa sẽ lấy rượu và chăm sóc cây. Trong các sự kiện lớn của dân làng không thể thiếu rượu Đoák. Loại rượu này được người dân làng Tờ Cách làm ra bằng men cây rừng nên nhẹ hơn rượu cần, khi uống không say như các loại rượu khác”.

Gia Lai Xuân về, cùng bà con Ba Na đi săn rượu từ lộc trời - 5
Ông Đét ngồi vắt vẻo trên những cây Đóak để hứng "lộc trời"

Theo một lãnh đạo UBND huyện Kông Chro cho biết, cây Đoák có nhiều tên gọi khác nhau (đác, báng, cây rượu trời…). Ở độ tuổi trưởng thành cây có đường kính khoảng 45cm, cao chừng 8 đến 20 mét. Lá như lá dừa nhưng mặt dưới màu trắng, dài 6 đến 12 mét.

Nhiều nơi người dân khai thác phần ruột của thân cây, giã nhỏ, lọc lấy tinh bột rồi phơi hoặc sấy khô để bán, nhưng người dân Ba Na trên địa bàn huyện chỉ khai thác phần nhựa Đoák để làm rượu.”.

Gia Lai Xuân về, cùng bà con Ba Na đi săn rượu từ lộc trời - 6
Bà con xem cây Đóak như một biểu tượng của buôn làng mà thần linh đã ban tặng

Trên địa bàn, cây Đoák mọc chủ yếu ở xã vùng phía Tây Nam, gồm Đắk Plinh, Đắk Sông và một phần của xã Sơ Ró. Chính vì vậy, hiện nay huyện Kong Chro đang khuyến khích dân bảo quản, khai thác an toàn, hợp lý, không tác động nhiều đến sự phát triển của cây. Ví dụ như cây có 5 buồng quả thì chỉ chặt 3, giữ lại 2 để cây nhân giống.

Theo đó, khách du lịch thường tìm về bản làng nơi có rượu Đoák để thưởng thức tại chỗ. Đây là thức uống tuyệt vời, đặc trưng. Tuy nhiên, hiện chưa có phương pháp bảo quản được rượu được lâu, lấy từ trên rừng về chỉ 2 ngày là hỏng. Việc bảo quản trong tủ lạnh cũng chỉ giữ được thêm 2 ngày.

Phạm Hoàng