Freelancer - nghề của người thích đi “ngược dòng”

“Gia nhập Freelancer trong lĩnh vực thiết kế, bạn phải giỏi về chuyên môn, am hiểu kỹ năng đàm phán, thẩm định khách hàng, sự linh cảm và quản lý thời gian hợp lý. Freelance cho bạn sự tự do, nhưng không có nghĩa là bạn được bê chễ công việc và coi nhẹ uy tín với khách hàng”.

Nguyễn
Duy Tùng Bách đang chia sẻ với học viên Arena Multimedia
Nguyễn Duy Tùng Bách đang chia sẻ với học viên Arena Multimedia

Nguyễn Duy Tùng Bách, cựu học viên Arena Multimedia tại Hà Nội, một freelancer có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực thiết kế - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dân trí về nghề freelancer nhân dịp cuối năm 2014.

<?> Theo bạn, điểm khác biệt cơ bản giữa công việc của một người làm công ăn lương tại 1 công ty với freelancer là gì?

- Làm freelancer đồng nghĩa với việc bạn đã xác định con đường đi gắn bó với đam mê, yêu thích với một ngành nào đó. Đây cũng là cơ hội để nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu của bạn trong cuộc sống, công việc.

Sự khác biệt giữa một freelancer và một người làm việc cố định cho một công ty thể hiện rõ nét nhất ở yếu tố thời gian, địa điểm và thu nhập.

Nếu là Freelancer, bạn sẽ luôn làm chủ quỹ thời gian của mình. Bạn tự quyết định giờ nào làm việc nào cho phù hợp với cá tính. Thậm chí công việc làm đêm là điều bình thường của một freelancer ngành thiết kế. Trong khi đó, người làm công ăn lương ở cơ quan đòi hỏi bạn sẽ phải đi làm đúng và đủ giờ.

Về địa điểm làm việc, freelancer có thể chọn bất kỳ chỗ nào họ muốn, phù hợp với “cá tính” của freelancer đó (tại nhà, quán café, công viên…). Trong khi phần lớn các bạn làm công ăn lương ở một công ty thì hàng ngày đến đó làm việc trong 8 tiếng và về nhà sau khi hết giờ làm.

Nguyễn Duy Tùng Bách (thứ 2, từ phải sang)
Nguyễn Duy Tùng Bách (thứ 2, từ phải sang)

Còn về thu nhập, các bạn làm full-time trong công ty sẽ có thu nhập ổn định và chắc chắn hơn các freelancer. Tuy nhiên nếu bạn có hợp đồng thiết kế part-time với mức thù lao cố định hàng tháng với vài ba công ty thì bạn cũng có một phần thu nhập khá ổn định. Số thời gian còn lại, bạn có thể nhận thêm một vài hợp đồng có tính chất sự vụ.

<?> Nếu như vậy, không hẳn ai cũng có thể trở thành freelancer. Vậy, những mô - tip người nào có thể phù hợp với công việc freelancer và ai không thể hợp?

- Freelancer là một giải pháp nghề nghiệp, phù hợp với tính cách, quan niệm công việc và cách thể hiện năng lực làm việc của nhóm người cụ thể. Ở đó, họ có điều kiện phát triển năng lực làm việc hiệu quả hơn những môi trường làm việc khác.

Người gia nhập freelancer đòi hỏi có cá tính, không thích bị gò bó trong công việc và dám chịu trách nhiệm với quyết định cá nhân. Nếu những người này bị gò vào một môi trường làm việc có định về thời gian, không gian, chưa chắc họ đã phát huy được thế mạnh của mình.

Những bạn luôn muốn được sống trong một môi trường an toàn, ổn định thì chắc chắn sẽ không hợp với nghề freelancer.

- Từ “Freelance” bắt nguồn từ thời Trung Cổ dùng để nói về những hiệp sĩ đánh thuê, “lance” là ngọn giáo, “free” là tự do, người không thuộc về bất cứ vị lãnh chúa nào nên có thể phục vụ bất kỳ ai trả tiền cho họ. Ngày nay Freelance/Freelancer thường được sử dụng khi nói đến những người làm việc tự do, không phụ thuộc vào một công ty hay tổ chức nào và được nhận thù lao theo những công việc hoặc dịch vụ mà họ cung cấp. (Theo svvn.vn)

- Tại Việt Nam, freelance tập trung ở các nhóm nghề nhóm thiên về sáng tạo hoặc đòi hỏi sự đào tạo khá bài bản và kinh nghiệm lâu năm. Ví dụ: Tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp, kế toán, bác sĩ, nhiếp ảnh gia, thiết kế đồ họa, thời trang, nội thất, viết báo, PR…

<?> Như vậy, freelancer là công việc hấp dẫn và cũng đầy thử thách?

- Ở các nước phát triển, freelancer được coi là một nghề. Bạn trẻ vào nghề ít gặp các thách thức như ở Việt Nam.

Khi trở thành một freelancer tại Việt Nam, bạn trẻ sẽ gặp thử thách lớn hơn nhiều so với ứng tuyển vào một công ty. Lợi ích ban đầu của freelancer dành cho bạn không nhiều. Lợi ích đó chỉ lớn dần lên theo năm tháng, khi bạn đã có chỗ đứng trong lĩnh vực freelancer cụ thể.

Chia sẻ kinh nghiệm làm freelancer
Chia sẻ kinh nghiệm làm freelancer

Những thử thách ban đầu mà nhiều bạn gặp phải là quan niệm của bố mẹ, người thân. Gia đình sẽ khó chấp nhận việc bạn đi "ngược dòng" quan niệm truyền thống về nghề nghiệp. Nhiều người thân trong gia đình sẽ yêu cầu bạn phải kiếm công việc cụ thể, tại một công ty hay tổ chức cụ thể với lịch thời gian cố định.

Thử thách tiếp theo đó chính là biết điều chỉnh “cái tôi” của bạn với khách hàng, với thời gian, việc sử dụng uy tín cá nhân trong giao kết và thực hiện công việc.

Đối với nhiều người, freelancer gắn với sự thiếu ổn định. Nhưng theo tôi, ổn định có nghĩa là luôn được thay đổi để không bao gờ bị tụt hậu.

Dù có nhiều thử thách, nhưng bù lại, lợi ích mà tôi đạt được đó là sự “tự do” khi tham gia freelancer.

Cụ thể, tôi được làm những gì cảm thấy là đúng, đam mê và phù hợp với cuộc sống hiện tại của bản thân và gia đình. Đặc biệt, sự chủ động của cá nhân là điều hạnh phúc với tôi, không phải phụ thuộc vào ai trong công việc.

<?> Được biết, bạn vừa có một  buổi giao lưu với các học viên về nghề freelancer. Vậy điều bạn muốn chia sẻ với những học viên muốn tham gia freelancer là gì?

- Kiến thức và kinh nghiệm công việc: Các bạn cần và phải có kiến thức vững chắc và kinh nghiệm làm việc ít nhất là 1 đến 2 năm.

Chia sẻ kinh nghiệm làm freelancer

Tiếp theo là tính kỷ luật và trách nhiệm: Đừng tưởng freelancer là những gã vô công rồi nghề. Để khẳng định bản thân, bạn phải có kỷ luật rất khắt khe với chính mình, trách nhiệm cao với những lời nói và hành động đã, đang và sẽ làm với khách hàng.

Cẩn thận trong bất cứ một lời nói, một cử chỉ với khách hàng hay cả với chính công việc của bạn.

Luôn cập nhật và học tập. Do phải tự lo cho chính mình, freelancer tự cập nhật những kiến thức sâu và mới hơn trong ngành. Ngoài ra bạn phải luôn học tập những gì bạn nhận ra bạn yếu trong quá trình làm một freelancer, chẳng hạn như đàm phán, giao tiếp hay quản lý thời gian chẳng hạn…

<?> Có freelancer “đen” không? Những hệ lụy từ quan hệ không tốt này với khách hàng, cộng đồng?

- Trong nghề freelancer có những người giỏi, nghiên túc nhưng cũng có cá nhân không tốt. Một số trường hợp freelancer “đen” hay phá giá, không giữ chữ “Tín”, hoặc giữ lại những thông tin về sản phẩm làm cho khách hàng để mưu cầu mục đích xấu nào đó…

Nguyễn Duy Tùng Bách với các freelancer ngành thiết kế
Nguyễn Duy Tùng Bách với các freelancer ngành thiết kế

Hệ lụy của việc này khiến cả cộng đồng bị ảnh hưởng đến chữ “Tín” với khách hàng. Nhiều khách hàng ở nước ngoài sẽ dè chừng và ít lựa chọn freelancer Việt Nam hơn so với các cộng đồng freelancer ở nước khác.

Như vậy, việc làm của freelancer “đen” sẽ ảnh hưởng nhiều tới các freelancer nghiêm túc và nguồn việc cho cộng đồng freelancer sẽ giảm đi nhiều.

<?> Nhìn lại năm 2014, bạn tâm đắc điều gì trong công việc?

- Với tôi, năm 2014 để lại dấu ấn về một sự thay đổi. Tôi chuyển đổi từ một freelancer làm việc độc lập sang làm việc cùng một nhóm những người bạn cùng hợp tác trong thời gian dài (tất cả cũng là freelancer). Mong rằng năm 2015, nhóm sẽ phát triển mạnh hơn và đó sẽ là thành công lớn của năm 2014 và 2015.

- Xin cảm ơn bạn

Hoàng Mạnh thực hiện

Nguyễn Duy Tùng Bách chia sẻ kinh nghiệm đàm phán và thanh toán hợp đồng công việc của freelancer: “Bạn cần xác định rõ nội dung, yêu cầu của khách hàng, nên hỏi rõ khách hàng định bỏ ra là bao nhiêu để xác định có làm hay không? Đơn giản hơn, bạn chỉ cần xác định rõ yêu cầu khách hàng vào trong bản tóm tắt đã bao gồm các chi phí bạn định sẵn. Như vậy, bạn sẽ tiết kiệm thời gian của hai bên.

Về vấn đề thanh toán, bạn phải có tài khoản ngân hàng kết nối được với dịch vụ Paypal để có thể mở rộng tập khách hàng của bạn cũng như khách hàng dễ dàng thanh toán. Bạn nên yêu cầu khách hàng trả trước từ 30% đến 50% tùy từng công việc để tránh việc bị “xù” sau khi làm xong…”.