1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đưa tiêu chí giảm lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc vào xếp loại thi đua

(Dân trí) - Nghệ An là 1 trong 15 tỉnh thành có tỉ lệ lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn thấp. Ngoài các giải pháp hiện có, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đang đề nghị đưa tỉ lệ lao động ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc xuống dưới 30% vào tiêu chí xếp loại thi đua cuối năm đối với các huyện.

Hơn 2.300 lao động không về nước, 10 huyện bị “cấm cửa"

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có 9.396 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Con số này đưa Nghệ An là tỉnh có số lao động đi làm việc ở Hàn Quốc đông nhất cả nước. Bình quân hàng năm, Nghệ An được các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp nhận từ 500 - 700 người lao động trong tỉnh sang làm việc, với mức tiền lương tháng hấp dẫn từ 1.000 - 1.500 USD/người.

Hướng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc đã góp phần vào việc giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng và tăng nguồn thu ngoại tệ cho tỉnh.

Tuy nhiên, tình trạng người lao động Nghệ An tự ý thay đổi chỗ làm việc, không về nước đúng thời hạn theo hợp đồng và ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc còn cao. Theo thống kê của cơ quan chức năng trong tỉnh, tính đến thời điểm tháng 7/2018, số lao động người Nghệ An hết hạn hợp đồng không về nước là 2.301 người.


Nghệ An có hơn 9.000 lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Nghệ An có hơn 9.000 lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Việc người lao động không về nước đúng thời hạn đã khiến 10 huyện, thành, thị của Nghệ An bị Bộ LĐ-TB&XH đưa vào xem xét tạm dừng tuyển chọn trong năm 2018 (theo yêu của phía Hàn Quốc). Đó là những địa phương có tỉ lệ lao động không về nước đúng thời hạn chiếm trên 30% tổng số lao động. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xuất khẩu lao động của Nghệ An cũng như quyền lợi của hàng nghìn lao động khác.

Mặc dù Nghệ An đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng lao động ở lại cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc nhưng tình hình vẫn không khả quan. Trước khi lao động sang Hàn Quốc làm việc phải ký quỹ 100 triệu đồng tiền chống trốn. Nhưng trên thực tế, người lao động bỏ trốn ra ngoài làm việc chỉ cần một thời gian ngắn sẽ có thể bù khoản tiền ký quỹ này.

Bên cạnh nguyên nhân từ chính ý thức của người lao động, chế tài xử lý lao động làm việc và cư trú bất hợp pháp của Hàn Quốc và Việt Nam chưa đủ mạnh để răn đe.

Mặc khác, khi người lao động về nước, cơ hội việc làm cũng như mức thu nhập thấp hơn rất nhiều lần so với ở Hàn Quốc khiến người lao động bất chấp quy định và cả rủi ro để trốn ở lại làm việc.

Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp một cách quyết liệt trong việc đưa lao động về nước đúng thời hạn, năm 2018 huyện Tân Kỳ là địa phương duy nhất của tỉnh Nghệ An được “dỡ lệnh cấm vận” đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của huyện Tân Kỳ cho thấy, việc tuyên truyền đến người lao động, gắn trách nhiệm với gia đình, dòng họ và khối xóm, chính quyền địa phương cần được xem là giải pháp then chốt để giải quyết vấn đề lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc.

Trong một cuộc hội thảo về vấn đề này hồi cuối tháng 8 tại Nghệ An, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), gợi ý tỉnh Nghệ An cần tổ chức tọa đàm, ký cam kết trách nhiệm 3 bên gồm Phòng LĐ-TB&XH, UBND xã và đại diện gia đình người lao động để các quy định cụ thể về vấn đề này được đến với từng lao động và người nhà của họ.

“Các địa phương cần niêm yết danh sách lao động bất hợp pháp và thông báo về quyền lợi của người lao động về nước đúng thời hạn cũng như các biện pháp xử phạt đối với các lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc; Thành lập các tổ liên gia tại các thôn xóm với các cam kết rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm về nước đúng thời hạn của các lao động để người sau có điều kiện được đi" - ông Nguyễn Gia Liêm nói.

Để từng bước giảm tình trạng người lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sau khi hết hợp đồng, tỉnh Nghệ An đã phân công trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban ngành có liên quan. Trong đó, vai trò của tổ chức chính quyền cấp cơ sở được đề cao.

Ở mỗi địa phương có người lao động đi Hàn Quốc tổ tư vấn cũng được thành lập với sự tham gia của Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Công an xã, Cán bộ văn hóa và cán bộ LĐ-TB&XH để giúp UBND xã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động các gia đình có người thân cư trú bất hợp pháp ở nước bạn kêu gọi con em trở về nước.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An cũng đã kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An giao trách nhiệm cho Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị trong việc thực hiện các giải pháp, biện pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp của địa phương. Đồng thời, Sở cũng đề nghị đưa con số lao động ở lại và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc xuống dưới 30% vào tiêu chí xếp loại thi đua cuối năm đối với UBND các huyện, thành, thị.

Hoàng Lam