1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đưa 23 thực tập sinh hộ lý sang Nhật Bản làm việc

(Dân trí) - Đây là những thực tập sinh hộ lý hoàn toàn do phía Việt Nam đào tạo và đáp ứng được yêu cầu của phía Nhật Bản.

Tháng 6/2017, nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với ba bộ trưởng Nhật Bản là Ngoại giao, Lao động, Pháp lý về việc triển khai thực hiện phái cử thực tập sinh Việt Nam sang thực tập; bản ghi nhớ có hiệu lực từ tháng 11/2017.

Như vậy là việc đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật làm điều dưỡng hộ lý đã có cơ sở pháp lý.

Sau khi được Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho phép vào tháng 8 năm 2017 công ty Hoàng Long đã tiến hành tuyển chọn và đào tạo ứng viên nghề hộ lý. Các em đã được tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật, kỹ năng nghề hộ lý, chăm sóc người già và văn hóa, lối sống của Nhật Bản, các quy định pháp luật của VN và Nhật Bản do Công ty Hoàng Long tổ chức.


23 thực tập sinh hộ lý Việt Nam đầu tiên sang Nhật Bản làm việc

23 thực tập sinh hộ lý Việt Nam đầu tiên sang Nhật Bản làm việc

Theo yêu cầu của Nhật Bản, Thực tập sinh Hộ lý khi nhập cảnh vào Nhật cần đạt trình độ tiếng Nhật N4, sau 1 năm cần đạt trình độ N3. Tuy nhiên, ngay khóa đầu tiên xuất cảnh đi Nhật, đoàn 23 học viên của Công ty Hoàng Long CMS đã có 16/23 em đạt trình độ N3.

Được biết mức lương cơ bản của các TTS Hộ lý khi làm việc tại Nhật Bản từ 23 triệu đồng đến 31 triệu đồng/tháng (sau khi đã trừ tiền thuế, tiền bảo hiểm, tiền nhà...). Khoản tiền lương này cũng chưa tính tiền làm thêm.

Trước đó, tháng 11/2016, Quốc hội Nhật Bản thông qua Luật về Thực hiện chương trình thực tập kỹ năng và bảo hộ thực tập sinh nước ngoài, trong đó mở rộng thêm ngành nghề điều dưỡng, hộ lý - điều này có nghĩa là các doanh nghiệp xuất khẩu lao động nước ngoài được phép phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản làm việc trong lĩnh vực y tế.

Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: “Nhật Bản đang có nhu cầu tương đối lớn về hộ lý, điều dưỡng. Chương trình EPA thì số lượng hàng năm không nhiều, trên dưới 200 người thì cũng không đáp ứng được. Chính vì thế khi hai bên đã có khung pháp lý và khi triển khai chương trình thì đó sẽ là cơ hội cho nhiều ứng viên của Việt Nam trong lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý có cơ hội thực tập và làm việc tại Nhật Bản".

GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, "Chúng tôi có tiếp xúc với những người chăm sóc Việt Nam tại Nhật Bản và thấy rằng các bạn đó được đào tạo rất tốt, có thể nói rất là chuyên nghiệp. Khi những bạn được đào tạo bên Nhật Bản như vậy trở về nước thì những cơ sở, như Bệnh viện lão khoa, sẵn sàng nhận ngay. Đó thực sự là nguồn nhân lực đã được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm thì sẽ tiết kiệm được thời gian đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam".

Nhật Hồng