1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đồng Tháp: 3.000 học sinh thi trượt lớp 10, cao đẳng và đại học sẽ đi đâu?

(Dân trí) - Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp cho biết, mỗi năm có khoảng 3.000 học sinh không đỗ vào lớp 10, cao đẳng và đại học. Sở LĐ-TB&XH tỉnh đang hướng các em đến các trường nghề. Tuy nhiên, số học viên ở các trường nghề, bỏ học rất nhiều…

Tại phiên chất vấn về lao động việc làm trong Kỳ họp lần thứ 7, HĐND tỉnh Đồng Tháp khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 (diễn ra từ ngày 17-18/7), nhiều đại biểu quan tâm đến số học sinh không đỗ vào lớp 10, cao đẳng và đại học sẽ được đào tạo nghề như thế nào, chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động ra sao…

Cụ thể, một đại biểu của huyện Tháp Mười, nêu ý kiến: “Số lượng học sinh không đỗ vào lớp 10, CĐ và đại học là khá nhiều. Vậy, Sở LĐ-TB&XH tỉnh có kế hoạch đào tạo nghề như thế nào? Thực tế, số lượng HS vào học trường nghề ban đầu rất đông nhưng tỷ lệ tốt nghiệp còn thấp, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?"


Đại biểu ở Huyện Lai Vung nêu vấn đề về đào tạo nhóm nghề phục vụ cho các đề án tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển du lịch.

Đại biểu ở Huyện Lai Vung nêu vấn đề về đào tạo nhóm nghề phục vụ cho các đề án tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển du lịch.

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Trọng Tịnh - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp, cho biết: Qua công tác thống kê, có khoảng 3.000 học sinh (đối tượng không đỗ vào lớp 10 và CĐ, ĐH) được Sở tư vấn vào học các trường nghề hoặc đi lao động nước ngoài.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Tịnh, nhiều năm trước, Sở đã chủ động có kế hoạch phối hợp với các trường, các đơn vị tư vấn tuyển sinh, tổ chức những buổi tư vấn nghề nghiệp để các học sinh không đỗ vào lớp 10, cao đẳng và đại học thì vào các trường nghề học hoặc xuất khẩu lao động.

"Tình trạng học sinh vào học trường nghề đông, nhưng số lượng học viên bỏ học còn cao. Bình quân toàn tỉnh khoảng 20%. Nguyên nhân là học sinh ở các trường nghề học có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học lực trung bình, một số ít trường hợp vào trường nghề học để trốn nghĩa vụ quân sự…" - ông Tịnh thừa nhận.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Tháp đã dưa trên 1.000 lao động ra nước ngoài làm việc
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Tháp đã dưa trên 1.000 lao động ra nước ngoài làm việc

Nhiều đại biểu quan tâm đến đào tạo các ngành nghề phục vụ cho các đề án phát triển kinh tế của tỉnh, như: Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đề án phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong kế hoạch đào tạo nghề của các trường trung cấp nghề, chưa thấy các ngành nghề này…

Ngoài ra, vấn đề hỗ trợ chính sách xuất khẩu lao động sao cho thuận tiện hơn cũng được đề cập. Theo phản ánh, người dân ở các xã, huyện phải lên tận TP Cao Lãnh (Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Tháp) để nộp hồ sơ và làm thủ tục xuất khẩu lao động và nhận tiền hỗ trợ… là vất vả vì đường xa.

Trước những vấn đề này, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp cam kết tiếp thu sớm và sẽ có giải pháp để tạo thuận lợi cho người lao động, dự kiến mở thêm những nhóm nghề phục vụ cho các đề án phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Cũng tại kỳ họp này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Dương còn băng khoăn: Hiện nay có trên 100 lao động Đồng Tháp đang cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài (đi tự do, không qua Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Tháp).

Điều này làm ảnh hưởng phần nào uy tín, hình ảnh của tỉnh Đồng Tháp. Bởi nhiều năm qua tỉnh luôn dẫn đầu số lượng xuất khẩu lao động hàng năm ở ĐBSCL. Trong cuộc họp, ông Dương cũng kêu gọi gia đình của các thanh niên đã hết thời gian lao động nhưng đang cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài vận động con em sớm hồi hương.

Nguyễn Hành