1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đồng Nai: Tỷ lệ nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp tăng 21 %

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai (Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai), hơn 23.893 người lao động đã được tư vấn việc làm trong 6 tháng qua. Cũng trong thời gian này, Trung tâm đã tư vấn giới thiệu việc làm hơn 1.000 người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tìm được việc làm.

Số lượng hồ sơ BHTN tăng

So với 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại thời điểm này tăng hơn 21%. Nguyên nhân do trong 6 tháng đầu năm 2017, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao độngvới người lao động có thâm niên từ 10 năm trở lên và khuyến khích hỗ trợ một số tiền cho người lao động khởi nghiệp. Chưa kể các lao động hết hạn hợp đồng lao động.


Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Thống kê cho thấy, tỉ lệ lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong ngành dệt may, dày da, nhuộm, thiết kế thời trang chiếm tới hơn 50%, cụ thể: Công ty Pouchen (hơn 1.200 lao động), công ty Changshin Việt Nam (438 lao động), công ty Splendour (hơn 400 lao động), công ty Taekwang Vina Industrial, công ty Epic Designers, công ty may mặc Toptex...

Trên cơ sở đó, Trung tâm đã thực hiện chính sách tư vấn việc làm, giúp người lao động mất việc làm ngay khi đến nộp hồ sơ đăng ký trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm, tỷ lệ người giới thiệu việc làm chưa cao so với số người được tư vấn việc làm.

Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn người thất nghiệp là lao động phổ thông và lớn tuổi, họ chủ động hoặc thỏa thuận nghỉ việc. Do đó, nhiều trường hợp không có nhu cầu giới thiệu việc làm. Bên cạnh đó một số lao động chủ động chuyển sang làm nghề tự do hoặc mất sức lao động, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ… nên ít có nhu cầu nhờ giới thiệu việc làm.

Đẩy mạnh công tác dạy nghề

Xác định công tác dạy nghề là một kênh quan trọng giúp người lao động thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động, Trung tâm đã chủ động liên kết với các đơn vị đào tạo nghề để tư vấn chuyên sâu về ngành nghề đào tạo. Đồng thời, Trung tâm đã mở rộng một số ngành nghề nhằm tạo điều kiện cho người lao động lựa chọn nghề phù hợp với thị trường lao động hiện nay.

Theo lãnh đạo Trung tâm, công tác tư vấn nghề được thực hiện ngay khi người lao động mất việc làm đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Quy trình tư vấn hỗ trợ học nghề cũng đã được thay đổi ở các điểm tiếp nhận tại các huyện theo hướng thuận tiện hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2017 số người có quyết định hỗ trợ học nghề là 838 người, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có 469 người lao động tham gia khóa học nghề tại Trung tâm và các đơn vị đào tạo nghề.

Các nghề người lao động thất nghiệp tham gia chủ yếu: Các nghề về ẩm thực và thẩm mỹ, như: Nấu ăn, làm bánh, pha chế thức uống; các nghề về kỹ thuật: Sửa chữa máy may công nghiệp, sửa xe gắn máy, cắt may, quay phim, chụp hình; Các nghề tin học: Tin học văn phòng, Autocad, Corel draw…

Thông qua công tác triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm cũng nhận thấy nhiều khó khăn phát sinh, như: Việc quản lý tình trạng người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có việc làm để làm cơ sở chấm dứt hưởng và bảo lưu số tháng chưa hưởng cho người lao động gặp nhiều khó khăn.

Vẫn còn trường hợp người lao động trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp có việc làm đã không thông báo với Trung tâm hoặc khi mới có việc làm việc đi lại thông báo với Trung tâm khó khăn. Việc phối hợp đối chiếu với BHXH tỉnh chỉ xác định được tháng có việc làm do các đơn vị báo tăng BHXH, chưa xác định rõ được ngày người lao động có việc làm nên chưa đủ cơ sở để ban hành quyết định chấm dứt hưởng, bảo lưu. Chưa nhiều đơn vị sử dụng lao động thông báo tình hình biến động lao động với Trung tâm hoặc khi giảm trên 50 lao động không thông báo ngay theo quy định.

Ngoài ra, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực ở các điểm tiếp nhận còn hạn chế so với khối lượng công việc và hồ sơ cần phải xử lý nên việc tư vấn giới thiệu việc làm và học nghề tại các điểm tiếp nhận chỉ mới tư vấn chiều rộng, chưa đi vào chiều sâu nên hiệu quả chưa cao…

Quốc Anh

Tin liên quan:

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Hạn chế lao động trung niên bị doanh nghiệp FDI "loại bỏ"

Sáng 8/7, tại Phú Thọ, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH đã làm việc với UBND Tỉnh Phú Thọ về công tác việc làm, dạy nghề. Trao đổi với đoàn công tác, ông Bùi Đức Nhẫn, giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 110 doanh nghiệp FDI, tổ chức đang sử dụng lao động là người nước ngoài, với tổng số người lao động nước ngoài là 471 người.

Ảnh: TL
Ảnh: TL

Phú Thọ tạo thêm gần 15.000 lao động/hàng năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh đã tạo việc làm thêm cho 7.863 lao động, góp phần duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị mức 3,0% và tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn năm 2016 lên 85,7%. Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận Phú Thọ đã có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nhiều lĩnh vực tăng trưởng cao. Quan tâm đến việc sử dụng lao động nữ độ tuổi 35-40 tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý: “Không để việc doanh nghiệp FDI tuyển dụng, sử dụng một thời gian rồi cho lao động nghỉ việc. Đây không chỉ là vấn đề “nóng” của riêng của Phú Thọ mà còn ở nhiều địa phương khác”. Nhằm hạn chế tình trạng trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng các cơ quan chức năng về LĐ-TB&XH cần tăng cường công tác đào tạo nghề cho người lao động. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng cơ chế đòi hỏi doanh nghiệp phải có cam kết sử dụng lao động lâu dài.

H.M

Hà Nội: Khai mạc Phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện Gia Lâm

Phiên giao dịch việc làm lưu động do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội vừa được tổ chức vào ngày 8/7 tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm.

Đồng Nai: Tỷ lệ nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp tăng 21 % - 2

Tham dự Phiên giao dịch việc làm có hơn 40 đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp với hơn 1.000 vị trí công việc, ngành nghề đa dạng cùng với mức lương hấp dẫn, như: Thợ cơ khí, thợ xây, nhân viên bán hàng, tạp vụ, giao hàng, nhân viên kinh doanh…Theo Ban tổ chức, việc lựa chọn các ngành nghề tuyển dụng được căn cứ theo đặc thù kinh tế xã hội và khả năng của lao động địa phương. Tham dự Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Gia Lâm, hàng trăm người lao động đã được tư vấn về việc làm và các kỹ năng phỏng vấn và trực tiếp gặp gỡ với các nhà tuyển dụng. Người lao động còn được tư vấn hướng nghiệp và các chính sách pháp luật, cũng như cung cấp thông tin thị trường lao động. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng giới thiệu các cơ hội được tìm kiếm, học nghề và xuất khẩu lao động. Về phía các đơn vị, DN khi tham gia phiên giao dịch việc làm sẽ có cơ hội tuyển dụng lao động phù hợp và được cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng.

H.M