Đồng Nai: Doanh nghiệp xuống đường tuyển lao động

Từ đầu tháng 7 đến nay, nhiều doanh nghiệp “khát” lao động tại Đồng Nai đã đặt bàn giao dịch trưng biển “tuyển công nhân” ngay bên lề đường, khu vực đông người qua lại.

Thông báo tuyển dụng được dán nhiều nhất ở các khu công nghiệp như: Hố Nai, Sông Mây (huyện Trảng Bom), Amata (thành phố Biên Hòa),... Đa số các công ty cần tuyển từ 10 - 200 lao động; ngành nghề chủ yếu là cơ khí, đồ gỗ, may mặc. Theo ghi nhận của phóng viên, thỉnh thoảng có một vài người dừng lại, xem thông báo một cách lơ đãng. Nhiều người cho biết, hiện đang làm việc ổn định trong các doanh nghiệp ở Đồng Nai, không có ý định chuyển đổi công việc.

Vì đơn hàng nhiều nên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bắc Hoàng (Khu công nghiệp Hố Nai) phải mở thêm xưởng mới và cần tuyển gấp 300 công nhân. Đối với lao động phổ thông đang trong thời gian thử việc, doanh nghiệp trả lương cơ bản 3.745.000/tháng, cộng thêm phụ cấp chuyên cần 300.000/tháng. Ngoài ra, mỗi lao động làm việc đạt chỉ tiêu năng suất và chất lượng được thưởng thêm gần 550.000 đồng/tháng.

Công ty TNHH Thương mại Vân Phát, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.
Công ty TNHH Thương mại Vân Phát, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.

Cuối tháng 6/2016, doanh nghiệp này đã dán thông báo ở nhiều nơi để tuyển người nhưng mỗi ngày chỉ có vài người đến nộp hồ sơ. Giữa tháng 7, công ty buộc phải đặt bàn tuyển dụng ngay tại cổng Khu công nghiệp Hố Nai, hàng ngày tại bàn tuyển dụng này có 2 nhân viên của công ty túc trực để tư vấn, giải thích những thắc mắc của người có nhu cầu tìm việc và tiếp nhận hồ sơ của người lao động.

Theo đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bắc Hoàng, từ ngày công ty lập bàn tuyển lao động ngoài đường, số người nộp hồ sơ tìm việc có tăng so với trước nhưng vẫn thấp, không đáp ứng được nhu cầu. Hình thức tuyển lao động mà công ty đang tiến hành làm phát sinh nhiều chi phí nên không thể duy trì lâu, với tình trạng này, doanh nghiệp chắc chắn không tuyển đủ lao động, quá trình sản xuất sẽ khó khăn.

Hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Golden Flag Việt Nam (huyện Trảng Bom) đang cần hàng chục thợ cơ khí, thợ hàn, thợ phay... Dù là thợ nhưng công ty tuyển cả những người chưa qua đào tạo, lương thử việc là 3.700.000 đồng/tháng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có nhiều chế độ như phụ cấp chuyên cần, phụ cấp hàng tháng, các khoản thưởng ngày lễ, Tết.

Do lao động đến nộp hồ sơ quá ít nên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Golden Flag Việt Nam cũng buộc phải đặt bàn tuyển dụng ngoài đường. Để tiện cho người tìm việc, doanh nghiệp cử cán bộ quản lý đến phỏng vấn, nhận người ngay tại chỗ.

Theo ông Chung Lien Shun, Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần Tuico (Khu công nghiệp Hố Nai), hiện Công ty cổ phần Tuico cần tuyển khoảng 30 công nhân cơ khí, doanh nghiệp đã ra thông báo gần 1 tháng nhưng vẫn chưa tuyển đủ. Những năm trước, tháng 7 là thời điểm tuyển lao động dễ nhất vì sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, có một lượng lớn lao động nhập cư từ các địa phương khác (nhiều nhất là miền Bắc và Bắc Trung Bộ) đến Đồng Nai tìm việc. Năm nay, tình hình thay đổi, hầu hết hồ sơ mà Công ty cổ phần Tuico tiếp nhận đợt này là người thường trú ở Đồng Nai và Tây Nam Bộ.

Ông Lâm Thanh Thu, Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Đông Nam Bộ (đóng tại thành phố Biên Hòa) cho biết: Thị trường lao động tại Đồng Nai có cầu đang lớn hơn cung. Tại 3 sàn giao dịch việc làm do Trung tâm giới thiệu việc làm Đông Nam Bộ tổ chức gần đây, số lao động mà doanh nghiệp cần tuyển vẫn ở mức cao (từ 1.000 - 2.000 người/sàn) nhưng lao động đến tìm việc rất thấp. Điển hình như phiên giao dịch ngày 10/7, hàng chục doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng gần 1.000 lao động, nhưng cuối cùng chỉ tiếp nhận được hơn 100 người.

Nhu cầu lao động gia tăng theo ông Thu là do doanh nghiệp ký được nhiều đơn hàng, đẩy mạnh sản xuất. Vài năm gần đây, nguồn cung lao động tại Đồng Nai ngày một ít đi, nguyên nhân vì số lao động nhập cư từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào Đồng Nai giảm. Ngoài ra, có một lượng lớn công nhân đang làm việc ở Đồng Nai nhưng khi các địa phương họ có khu công nghiệp thì họ đã quay về quê hương tìm việc.

Là địa phương có nền công nghiệp phát triển mạnh, lâu đời, Đồng Nai vẫn có nhiều lợi thế trong thu hút nhân lực. Song để giành và giữ lao động trong thời điểm hiện nay và những năm tiếp theo, các công ty cần đề ra chiến lược quản trị nguồn nhân lực mới; xác định người lao động là tài sản lớn để từ đó đưa ra chính sách đãi ngộ, tạo môi trường làm việc thuận lợi.

Theo baotintuc.vn