1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Độc đáo hình thức làm việc ở nhà tại Nhật Bản

Nhật Bản vừa phát động chiến dịch "Ngày làm việc từ xa" (Telework Day) hay còn gọi là làm việc tại nhà.

Đây được xem là một trong những biện pháp nhằm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông trong thời gian nước này đăng cai Olympic 2020, cũng như thay đổi văn hóa làm việc của người dân nước này.

Quang cảnh vắng vẻ tại trụ sở một công ty ở Nhật Bản ngày 24/7, ngày làm việc từ xa đầu tiên được phát động ở nước này. (Ảnh: Japan Times)
Quang cảnh vắng vẻ tại trụ sở một công ty ở Nhật Bản ngày 24/7, ngày làm việc từ xa đầu tiên được phát động ở nước này. (Ảnh: Japan Times)

Áp dụng công nghệ thông tin

Đã có hơn 900 công ty, cơ quan tham gia vào vào phong trào này trong ngày 24/7, trong đó 900 nhân viên của Bộ Nội vụ đã trực tiếp thực hiện làm việc từ xa.

Telework day- thực chất là phong trào toàn dân được triển khai bởi Bộ Nội vụ, Bộ Lao động và Y tế và các cơ quan chính phủ của Nhật Bản hướng tới Thế vận hội Olympic Tokyo và Paralympic 2020.

Mục đích của phong trào này là nhằm cải cách phương thức làm việc và giảm tắc đường trong vùng nội đô Tokyo được dự đoán sẽ xảy ra khi diễn ra Olympic. Theo đó, chính phủ kêu gọi các công chức của các cơ quan, đoàn thể, công ty sẽ làm việc tại nhà hoặc nơi nào đó ngoài cơ quan, công ty thông qua công nghệ IT vào giờ cao điểm đến khoảng 10h30 sáng. Phong trào này sẽ được thực hiện hàng năm cho đến năm 2020.

Trên thực tế Telework day đã được thí điểm tại Thế vận hội Olympic London 2012 cùng với mục đích giảm thiểu tắc đường trong nội đô khi diễn ra sự kiện.

Vào thời điểm đó, Nhật Bản cũng đã áp dụng thử và có khoảng 14,4% các công ty đã thực hiện phương thức làm việc từ xa này. Đến tháng 6/2013, trong văn bản Tuyên bố sáng tạo quốc gia áp dụng IT đưa ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng 34.5% công ty và ít nhất 1 tuần 1 lần sẽ áp dụng phương thức làm việc tại nhà.

Theo cán bộ phụ trách phòng thông tin của Bộ Nội vụ, phương thức làm việc từ xa (làm việc tại nhà) được thử nghiệm từ năm 2017 và kỳ vọng sẽ được phổ biến rộng rãi.

Có nghĩa là Teleworkday không chỉ áp dụng chỉ cho ngày khai mạc thế vận hội Olympic tức ngày 24/7/2020, hay Paralympic mà còn được mở rộng áp dụng cho những ngày khác, tháng khác trong năm và nhiều năm tiếp theo.

Rủi ro và lợi ích

Phong trào làm việc từ xa có nhiều lợi ích mang lại, nhưng không phải không có rủi ro trong quá trình thực hiện phương thức làm việc này. Trong trường hợp khi mạng thông tin không được thông suốt, sẽ gây ra những thiệt hại khó lường.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Takaichi Sanae, đúng ngày phát động phong trào tại tỉnh Akita cũng có một sở gặp rủi ro khi mạng thông tin bị đứt quãng. Ngoài ra có một số tỉnh khác, một số cơ quan gặp sự cố tương tự.

Hơn thế nữa, vấn đề quản lý người lao động như thế nào cũng được đặt ra trong khi thực hiện phương thức làm việc này.

Nhân viên các công ty, cơ quan nhà nước chưa thực sự quen với phương thức này, bởi nó chỉ mới được áp dụng. Còn gia đình họ cũng chưa quen với việc người thân của họ làm việc tại nhà. Nhưng đây cũng là một hình thức mang lại hiệu quả tích cực.

Nhật Bản có tỉ lệ tự tử cao nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) với hơn 20.000 người. Phương thức "Ngày làm việc từ xa" sẽ có những đóng góp làm giảm con số đáng buồn này.

Con số này tuy đã giảm nhưng vẫn cao hơn so với các nước công nghiệp khác như Mỹ và Anh. Số người tự tử trong năm 2015 là 18,5 người /100.000 người.

Chính phủ Nhật Bản đề ra mục tiêu tới năm 2026 sẽ giảm được con số này xuống còn dưới 13 người/100.000 người. Nếu thực hiện được thì số người tự tử ở Nhật Bản sẽ giảm xuống bằng mức ở Mỹ hoặc ở các nước công nghiệp khác.

Các biện pháp mới bao gồm cả việc hướng dẫn cho các doanh nghiệp để ngăn ngừa việc tự tử do làm việc quá nhiều, ngăn ngừa việc hoảng loạn tinh thần nơi công sở… và đương nhiên phương thức làm việc từ xa sẽ có đóng góp tích cực vào giảm thiểu tự sát, nhưng con số thực tế như thế nào thì cũng chưa có thống kê cụ thể./.

Theo Bùi Hùng/VOV.VN