Doanh nghiệp Việt khó tuyển dụng CEO: Do đâu?

Thuê CEO luôn là vấn đề trăn trở của nhiều chủ doanh nghiệp (DN) và cũng đang trở thành "điểm nghẽn" trong nội bộ DN Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt khó tuyển dụng CEO: Do đâu? - 1

Trong khuôn khổ chương trình Café Doanh nhân - HUBA (lần thứ 15) với chủ đề "Kinh nghiệm thực tế thuê giám đốc điều hành trong xu hướng hiện nay", ngày 6/5, tại khách sạn Rex (Q.1, TP.HCM), nhiều chủ DN đã trút hết "nỗi lòng" cùng những khó khăn thực tế trong việc kiếm tìm CEO cho DN họ.

Khó tuyển CEO, do đâu?

Trái ngược với ngành ngân hàng và chứng khoán, các DN hoạt động trong những lĩnh vực như dịch vụ, sản xuất... vẫn chật vật tìm kiếm CEO điều hành thay chủ DN. Nguyên nhân do đâu?

Phân tích vấn đề này, bà Võ Thị Thúy - Giám đốc Khu du lịch Bến Xưa (thuộc Công ty TNHH MTV Thương mại Thúy Ngọc) cho hay, sở dĩ ngành ngân hàng, chứng khoán dễ tìm cũng như dễ thuê CEO là do đặc thù của ngành.

Với một giám đốc điều hành ngân hàng, vấn đề của họ chỉ là kinh doanh tiền và làm sao để đồng tiền nảy nở một cách hiệu quả nhất. Với các dòng tiền cho vay tại ngân hàng, hầu như các chủ tịch HĐQT đều nắm được. Điều này khác với các ngành nghề còn lại tại Việt Nam. Theo bà Thúy, có những vấn đề liên quan đến tài chính, nhân sự cũng như quan hệ ngoại giao mà người chủ DN không thể giao phó hoàn toàn cho các CEO thuê ngoài.

Bà Thúy viện dẫn ở lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, người chủ DN không thể nào giao toàn quyền quyết định cho giám đốc điều hành vì nhiều mối lo ngại. Trong đó, mối lo lớn nhất là khi các CEO thuê ngoài nghỉ việc, họ có thể kéo theo cả hệ thống nhân sự, các mối quan hệ của chủ DN đi cùng. Ngược lại, nếu tuyển CEO mà việc gì chủ DN cũng tham gia quyết định thì rất khó tìm được người chịu làm việc cho mình. Chính những "nút thắt" này đã khiến các chủ DN Việt luôn loay hoay trong việc tìm kiếm CEO điều hành thay mình.

Cũng khá khó khăn trong việc tìm kiếm CEO, ông Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Capella (Capella Holdings) cho rằng, DN Việt khó thuê CEO là do môi trường làm việc chưa được chuyên nghiệp vì phụ thuộc quá nhiều vào đặc thù của địa phương. Cụ thể, Capella Holdings sở hữu hệ thống gần 20 nhà hàng và các trường học, các đơn vị này thuộc sự quản lý của 10 công ty con của Capella Holdings.

Trên nguyên tắc, mỗi công ty con sẽ có một chủ tịch HĐQT và một tổng giám đốc quản lý, thế nhưng điều nghịch lý là đến thời điểm này, từ công ty mẹ đến công ty con đều do một mình ông Trí nắm quyền điều hành. Chính vì vậy, cùng với việc mở rộng hệ thống kinh doanh, áp lực tìm kiếm CEO cũng ngày một tăng. Tuy nhiên, đến nay DN vẫn rất khó thuê CEO bên ngoài.

Lý giải về việc này, ông Trí cho biết, đối với ngành dịch vụ, đặc biệt là nhà hàng, khách sạn, các CEO đóng vai trò rất quan trọng và họ luôn đề cao tính chuyên nghiệp. Thế nhưng, khi tham gia điều hành DN Việt Nam, tính chuyên nghiệp đôi khi lại là sự cản trở, không tạo được tiếng nói chung giữa chủ DN và CEO.

Ông Trí dẫn chứng những tình huống cụ thể từng xảy ra tại hệ thống nhà hàng, khách sạn tại Việt Nam và đặt câu hỏi: Bạn sẽ xử lý thế nào khi khách đến khách sạn cùng một lúc quá đông, hành lý chiếm hết lối đi tại sảnh, trong khi khách sạn chỉ có 4 nhân viên khuân vác hành lý? Hay trường hợp có vị khách "đặc biệt" muốn ngồi tại bàn mà khách khác đã đặt trước, lúc đó các CEO chuyên nghiệp sẽ xử lý thế nào?

Các CEO chuyên nghiệp nước ngoài không bao giờ chấp nhận việc điều động nhân sự của bộ phận này làm việc của bộ phận khác, vì họ cho rằng chuyên môn của mỗi bộ phận đều khác nhau. Và lại càng không có chuyện họ chấp nhận chiều lòng khách "đặc biệt" với bất cứ lý do gì. Cách xử lý của họ thể hiện tính chuyên nghiệp nhưng đôi khi lại không được chủ DN đồng tình. Đó chính là lý do rất nhiều CEO dù được trả lương cao, nhưng chỉ sau vài tháng là họ chia tay Capella Holdings.

Giải pháp an toàn "thuyền ta, ta lái"

Dù xuất phát từ những đặc thù công việc, ngành nghề khác nhau, nhưng đa phần DN Việt sau thời gian tìm kiếm CEO bên ngoài đã nhận ra, giải pháp an toàn vẫn là "thuyền ta, ta lái". Chính vì vậy, nhiều chủ DN nếu không có con cái kế thừa sẽ trực tiếp điều hành DN. Cũng có nhiều trường hợp đã và đang nghĩ đến vấn đề gầy dựng DN rồi bán đi, kiếm lợi nhuận.

Bà Trần Diệu Canh - Tổng giám đốc Công ty CP TM Cơ khí Tân Thanh cho biết, phải trải qua rất nhiều khó khăn Công ty mới "nên vóc nên hình". Cũng đã có rất nhiều nhân sự từ Công ty đi ra lập DN riêng và cạnh tranh trực tiếp với Tân Thanh. Chính vì điều này, bà không thể nào an tâm giao cho người ngoài điều hành DN, cụ thể là thuê CEO. Hiện bà đang đào tạo các thành viên trong gia đình trở thành đội ngũ lãnh đạo kế thừa, bởi việc kế thừa, điều hành DN Tân Thanh là ước muốn của các con bà và đây chính là một lợi thế.

Ở góc độ khác, nhiều doanh nhân tham dự diễn đàn lại cho rằng, trao quyền điều hành DN cho con cái chẳng khác nào đặt gánh nặng lên vai chúng, trừ khi chúng thật sự yêu thích công việc này và muốn kế thừa. Các doanh nhân cũng đồng tình rằng các chủ DN thành công đã phải trải qua suốt cả quá trình chắt lọc.

Họ có được sự linh hoạt cũng như tính nhạy bén, thích ứng với môi trường kinh doanh tại Việt Nam mà không phải thế hệ kế thừa nào cũng có thể theo kịp, hoặc CEO nào cũng có thể thay thế. Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Cao Trí nhận định, những chủ DN hiện nay cũng chính là các CEO của DN họ, bởi vì không ai khác ngoài họ có thể hiểu được đặc thù kinh doanh của DN mình.

Theo một khảo sát của một trường đại học gần đây, tỷ lệ nhân sự sau khi ra trường muốn làm chủ đạt mức 50 - 60%. Đây được đánh giá là mức cao nhất trên thế giới. Song, các doanh nhân lo ngại điều này có nhiều bất cập, dù tinh thần khởi nghiệp là rất đáng hoan nghênh.

Bởi lẽ, nhân sự mới ra trường hầu như không thích ứng được với đòi hỏi thực tế của DN, lượng nhân sự đáp ứng được rất ít. Bên cạnh đó, một số nhân sự trẻ sau khi được đào tạo đã nhanh chóng rời khỏi DN để thành lập công ty, đôi khi còn cạnh tranh, dùng chiêu trò lấy khách hàng của DN từng là cái nôi đào tạo mình.

Thời gian qua, chính vì điều này, rất nhiều chủ DN đã chọn cách tự mình điều hành DN. Họ không chọn đội ngũ kế thừa, mà tìm cách xây dựng DN bài bản rồi bán lại cho các nhà đầu tư có nhu cầu. Nguồn tiền thu được sẽ được tái đầu tư vào các DN có hệ thống quy mô hơn, khả năng sinh lời tốt hơn thông qua con đường đầu tư mua cổ phiếu của các DN lớn.

Theo Doanh nhân Sài gòn