Doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt sa thải

Các chuyên gia cho rằng xu hướng này sẽ buộc Chính phủ Trung Quốc phải hành động...

Việc đưa ra một bức tranh rõ ràng về thị trường lao động Trung Quốc là một việc không hề dễ dàng do có sự chênh lệch lớn giữa các con số thống kê - Ảnh: Bloomberg.
Việc đưa ra một bức tranh rõ ràng về thị trường lao động Trung Quốc là một việc không hề dễ dàng do có sự chênh lệch lớn giữa các con số thống kê - Ảnh: Bloomberg.

Các công ty ở Trung Quốc đang ngày càng ngại tuyển dụng lao động mới trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này giảm tốc.

Theo trang CNN Money, vốn đã nặng gánh nợ nần, các doanh nghiệp Trung Quốc ra sức hạn chế vay mượn và cắt giảm chi tiêu. Giờ đây, họ còn giảm tốc độ tuyển dụng nhân sự - bản báo cáo kinh tế Trung Quốc China Beige Book khảo sát hơn 2.200 công ty ở nước này cho thấy.

Doanh nghiệp Trung Quốc “đang trở nên dị ứng với việc tuyển dụng”, báo cáo viết, đồng thời cảnh báo việc “thị trường việc làm khó khăn của Trung Quốc đã chạm một mức đáy mới” trong quý 1 năm nay.

Trong số các công ty được khảo sát, 15% nói đã cắt giảm việc làm trong quý 1. Có 23% nói đã tăng số công nhân trong quý, nhưng con số này đã giảm 9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chuyên gia thực hiện báo cáo cho rằng xu hướng này sẽ buộc Chính phủ Trung Quốc phải hành động.

“Lý do chính khiến Trung Quốc đến thời điểm này vẫn đi ngược lại kỳ vọng của thị trường về các biện pháp kích cầu mạnh tay hơn chính là sự ổn định trên thị trường lao động, bất chấp sự giảm tốc nói chung của nền kinh tế”, báo cáo viết. “Nhưng thời gian có lẽ đã không còn”.

Triển vọng thị trường việc làm của Trung Quốc trong quý 2 năm nay tiếp tục u ám: 14% doanh nghiệp được khảo sát dự kiến sẽ sa thải thêm công nhân; 28% dự kiến tuyển thêm nhân sự, nhưng con số này đã giảm 10 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng trước, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố kế hoạch cắt giảm 1,8 triệu công nhân ngành than và thép, một bước đi dự kiến sẽ tác động mạnh đến một số doanh nghiệp quốc doanh khổng lồ vốn nổi tiếng làm ăn kém hiệu quả của nước này.

Theo IHS Insight, đợt sa thải này tương đương khoảng 20% và 11% tương ứng số lao động ngành than và thép của Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, việc đưa ra một bức tranh rõ ràng về thị trường lao động Trung Quốc là một việc không hề dễ dàng do có sự chênh lệch lớn giữa các con số thống kê.

Năm 2015, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9%, mức tăng chậm nhất trong 25 năm. Từ đầu năm đến nay, các thống kê kinh tế của nước này tiếp tục cho thấy sự suy giảm. Hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm, trong khi giá trị xuất khẩu tháng 2 giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo VNeconomy.vn