1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Doanh nghiệp đề xuất nâng khung giờ làm thêm từ 300 giờ/năm lên 500 giờ/năm

(Dân trí) - Góp ý về nội dung dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012, nhiều hiệp hội doanh nghiệp cho rằng đề xuất nâng khung giờ làm thêm từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm của dự thảo còn …khiêm tốn. Thay vào đó, những ngành nghề đặc biệt cần được nghiên cứu nâng lên tới 450 giờ/năm hoặc 500 giờ/năm.

Doanh nghiệp đề xuất nâng khung giờ làm thêm từ 300 giờ/năm lên 500 giờ/năm - 1

Bày tỏ quan điểm tại Hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012, chương trình do Phòng Thương mại và Công nghiệp tổ chức sang 14/5 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, thời gian quy định về khung giờ làm thêm hiện chưa phù hợp với ngành sản xuất trực tiếp, trong đó có ngành thuỷ sản.

Lý giải rõ hơn, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết: Nhiều trường hợp nguyên liệu do ngư dân đánh bắt được đem tới nhà máy quá nhiều. Doanh nghiệp không thể không nhận, nhưng nếu nhận thì phải sản xuất ngay. Việc này sẽ bi phạm giờ làm việc và bị khách hàng đánh lỗi là làm không đúng quy định của Luật Lao động.

Mặt khác, nếu sản xuất để giao hàng đúng hẹn thì phải tăng ca làm việc. Điều này cũng dẫn tới việc vi phạm quy định về giờ làm thêm.

Ông Phạm Minh Huân - Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nói về đề xuất điều chỉnh khung giờ làm thêm

Thay mặt hiệp hội, ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị: “Để đảm bảo số giờ làm thêm của người lao động không quá 400 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm không quá 500 giờ/năm”.

Đề xuất nâng khung giờ làm thêm nhưng ở mức thấp hơn, ông Trương Văn Cẩm - Tổng thư ký Hiệp hội dệt may VN cho rằng: Giờ làm thêm nên nới rộng ra khoảng 50 % so với luật hiện hành. Đối với các ngành có thể là 400 giờ/năm. Riêng với ngành đặc biệt, khu giờ làm thêm có thể là 450 giờ/năm

Cũng bàn về giờ làm thêm, bà Đỗ Thị Thuý Hương - đại diện Hiệp hội điện tử Việt Nam tại Hội thảo, tán thành việc đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong một số trường hợp đặc biệt sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành. Tức là nâng từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.

Đồng thời, Chính phủ sẽ quy định chi tiết thực hiện khung giờ làm thêm tối đa trong một nghị định riêng.

Phân tích thêm về lý do nâng khung giờ làm thêm, bà Đào Thị Thu Huyền, Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại VN, cho rằng không chỉ bởi nhịp độ thực hiện đơn hàng, nhiều lĩnh vực nghiên cứu cũng cần có thời gian làm việc dài hơn để có thể tạo ra hiệu quả làm việc.

“Nên mở rộng khung lên 400 giờ, còn những ngành phát triển sản xuất và cần thời gian phục vụ nghiên cứu thì Chính phủ cần quy định riêng” - bà Đào Thị Thu Huyền nói.

Dự thảo đề xuất tăng thêm 100 giờ trong khung giờ làm thêm

Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của NLĐ là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm (tuy nhiên, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh).

Theo Ban soạn thảo, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa trong dự thảo sửa đổi Luật Lao động là cần thiết và áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt, đối với một số ngành nghề sản xuất kinh doanh nhất định. Ban soạn thảo đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt này sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.

Hoàng Mạnh