1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Doanh nghiệp đã “mặn mà” với lao động qua đào tạo

(Dân trí) - “Đa số doanh nghiệp được khảo sát đều có nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo: 26 % doanh nghiệp cần tuyển trung cấp, 35 % cao đẳng và 39 % sơ cấp…”

Doanh nghiệp đã “mặn mà” với lao động qua đào tạo - 1

Đây là kết quả khảo sát với chủ đề "Nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề và hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp" vừa được Chi nhánh VCCI tại TP HCM, Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) và Chương trình Hợp tác Việt - Đức “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” (GIZ) công bố.

Hơn 50 % doanh nghiệp kỳ vọng lợi ích lâu dài

Theo thông tin được Ban tổ chức chia sẻ, cuộc khảo sát được thực hiện trong năm 2019, chủ yếu tại địa bàn 4 tỉnh phía Nam là TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An với 43 doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát đều có nhu cầu tuyển tuyển dụng lao động đã qua đào tạo với trình độ tay nghề và học vấn khác nhau: 26 % doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự trình độ trung cấp, 35 % cao đẳng và 39 % sơ cấp.

Doanh nghiệp đã “mặn mà” với lao động qua đào tạo - 2

Để đáp ứng được nhu cầu này, khoảng 55 % doanh nghiệp đã chú trọng xây dựng phòng, ban đào tạo và cử nhân viên thực hiện chức năng đào tạo cũng như có công cụ theo dõi quá trình đào tạo của học viên tại doanh nghiệp.

Đây là điều cần thiết, bởi hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã được đa phần các doanh nghiệp xem là khoản đầu tư thay vì chi phí.

Cũng theo khảo sát, 54 % doanh nghiệp đánh giá việc đầu tư tài chính vào nâng cao tay nghề cho người lao động sẽ giúp tạo hiệu quả vừa ngắn và dài hạn, 30 % doanh nghiệp khẳng định hiệu quả dài hạn và chỉ có 5 % cho rằng không hiệu quả.

Tuy nhiên nhìn vào các hoạt động hợp tác chung giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhiều doanh nghiệp tham gia hợp tác sâu và toàn diện trong quá trình đào tạo nghề.

Đây là vấn đề cần cải thiện để nâng cao hiệu quả hợp tác trong tương lai. Hơn nữa, quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường hiện nay chủ yếu là ngắn hạn và mối quan hệ hợp tác được xây dựng do cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động tiếp cận doanh nghiệp hoặc qua quan hệ, cá nhân của doanh nghiệp. Bởi mới chỉ có 39 % doanh nghiệp hợp tác trên 1 năm với doanh nghiệp, 26 % doanh nghiệp hợp tác dưới 1 năm và 35 % doanh nghiệp chưa từng hợp tác với doanh nghiệp.

Cần thêm quy định về hợp đồng đào tạo

Cũng qua khảo sát cho thấy, Luật giáo dục nghề nghiệp còn chưa quy định cụ thể về hợp đồng tác đào tạo giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hợp đồng đào tạo học viện giữa doanh nghiệp và người học.

Doanh nghiệp đã “mặn mà” với lao động qua đào tạo - 3

Bởi vậy, 43 doanh nghiệp được khảo sát đã tham gia tới 4 hình thức ký kết hợp đồng đào tạo, như: 44 % ký hợp đồng trực tiếp giữa doanh nghiệp và người học, 35 % hợp đồng giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, 18 % giữa cơ sở đào tạo và người học, 3 % theo hơn đặt hàng của Nhà nước.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cho thấy doanh nghiệp còn gặp nhiều rào cản như: Ngành nghề sản xuất đặc thù không có cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo phù hợp, thông tin số liệu về hoạt động giáo dục nghề nghiệp không thu hút, nhân viên phụ trách đào tạo tại doanh nghiệp thiếu kỹ năng tìm kiếm hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ngoài ra, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa xây dựng được sản phẩm đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường, chi phí của doanh nghiệp bỏ ra trong hoạt động liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được tính là chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Doanh nghiệp đã “mặn mà” với lao động qua đào tạo - 4

Thông qua khảo sát, nhiều kiến nghị được đưa ra, như: Doanh nghiệp mong muốn Nhà nước có các chính sách khuyến khích về thuế thông tin dự báo thị trường lao động hỗ trợ các khoản đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp, hoàn thiện hành lang pháp lý để khuyến khích sự hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Phan Minh