1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Doanh nghiệp “chẻ” lương để né đóng BHXH, người lao động chịu thiệt!

Để né tránh phải đóng BHXH với số tiền cao theo thực tế thu nhập của người lao động (NLĐ), nhiều DN đã cố tình nghĩ ra chiêu “chẻ” lương của NLĐ thành nhiều khoản khác nhau. Trong khi đó, nhiều NLĐ do chưa ý thức đã chấp nhận đồng thuận, hưởng ứng cho đến khi nhận thì quyền lợi đã thiệt thòi rất nhiều…

Chia tiền lương thành hàng chục khoản…

“Tại sao tiền lương thu nhập thực lãnh trong tháng của chúng tôi được rất cao nhưng tiền trích đóng BHXH lại thấp chỉ bằng một nửa, hoặc 1/3 tổng mức thu nhập; Tại sao thu nhập của tôi rất cao tới 20 triệu/tháng mà khi nghỉ việc lãnh trợ cấp thất nghiệp, hay thai sản lại quá thấp so với đồng nghiệp…” – đó là hàng loạt câu hỏi mà thời gian qua rất nhiều NLĐ phản ánh đến báo Lao Động và Đời sống liên quan đến việc DN trích đóng BHXH trên tổng lương.

Điển hình là trường hợp của chị Ngọc Trân, một NLĐ đang làm việc tại Cty TNHH V.A, quận 2, TP.HCM với vị trí nhân viên phòng Maketing. Chị Trân cho biết, tháng 7.2011, chị ký HĐLĐ không xác định thời hạn với công ty, mức lương chính của chị là 22 triệu đồng/tháng. Đến đầu năm 2016, bỗng nhiên công ty đã đề nghị với NLĐ thanh lý hợp đồng với tất cả nhân viên phòng Maketing và ký lại hợp đồng mới.


Bảng lương của NLĐ bị chẻ nhỏ - Ảnh: L.A.N

Bảng lương của NLĐ bị "chẻ" nhỏ - Ảnh: L.A.N

Đáng nói với HĐLĐ mới, tổng thu nhập mỗi tháng của chị Trân vẫn là 22 triệu đồng, nhưng mức lương chính giảm xuống chỉ còn 6 triệu đồng/tháng? Còn lại, tổng số tiền thu nhập được công ty “chẻ” ra thành các khoản phụ cấp như: Phụ cấp hiệu quả công việc 2.000.000 đồng, phụ cấp trách nhiệm 1.000.000 đồng, thưởng doanh thu 8 triệu đồng...

Chị Trân cho rằng, mặc dù cùng biết là công ty ký lại hợp đồng với mục đích là để giảm chi phí đóng BHXH, nhưng nhìn vào khoản thu nhập thì vẫn còn đầy đủ 22 triệu đồng nên đồng ý. Bởi tôi nghĩ đơn giản quan trọng là tổng thu nhập bị giảm đi, còn đóng BHXH ít đi thì cũng có sao đâu.

Tuy nhiên, hậu quả diễn ra rất nhanh khi mới đây sau khi sinh con làm thủ tục nhận chế độ thai sản, chị Trân chỉ được nhận số tiền thai sản do cơ quan BHXH chi trả chỉ vào khoảng hơn 20 triệu đồng. “Cùng làm việc với mức thu nhập như tôi nhưng vài đồng nghiệp khác lại được nhận chế độ thai sản rất cao. Tại sao lại như vậy, tôi phải khiếu kiện công ty đến cùng để làm rõ sự việc” – chị Trân bức xúc nói.

Làm việc với PV, bà Nguyễn Minh H, Trưởng phòng nhân sự công ty V.A cho biết, về vấn đề ký lại HĐLĐ sự việc này đã diễn ra cách đây hơn 1 năm từ 2016, khi đó công ty cũng không ép NLĐ mà chỉ đề nghị trên tinh thần thỏa thuận và đa phần NLĐ đồng ý.

Nếu NLĐ không đồng ý thì công ty cũng sẽ giữ nguyên như hợp đồng cũ! Trường hợp của chị Trân trên hợp đồng ghi rất rõ là mức lương làm căn cứ đóng BHXH của chị là 6 triệu đồng nên khi làm chế độ cơ quan BHXH sẽ căn cứ mức này để trả chế độ thai sản...

Về trường hợp có nhiều NLĐ được hưởng thai sản cao như chị Trân trình bày, qua tìm hiểu PV được biết là do khi ký hợp đồng lại với công ty V.A, nhiều NLĐ đã kiên quyết yêu cầu phòng nhân sự không được “chẻ” lương ra nhiều khoản mà phải đóng BHXH đúng theo tổng thu nhập. Chính vì vậy đến khi làm thủ tục nhận chế độ thai sản họ đã nhận được chế độ gấp 5 lần của chị Trân!

Mới đây nhiều NLĐ sau khi đến Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM để đăng ký nhận trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) về phản ánh bức xúc. Cụ thể như trường hợp của anh Nguyễn Nhật Minh, nguyên là nhân viên lập trình tại Cty Game VN, quận 10, TP.HCM. Ký HĐLĐ và làm việc cho công ty từ năm 2008, mức lương của anh hiện tại là 15 triệu đồng/tháng.

Vừa qua do công ty cho hàng loạt NLĐ nghỉ việc, anh Minh bèn đi làm thủ tục hưởng BHTN để nhận trợ cấp. Cầm quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trên tay, anh Minh vô cùng chán nản, bởi mỗi tháng anh chỉ được nhận số tiền trợ cấp rất nhỏ với hơn 2 triệu đồng. Cho rằng do bên BHTN tính sai, anh Minh đã đi khiếu nại vì một số đồng nghiệp cùng làm công ty anh được nhận trợ cấp thất nghiệp cao hơn nhiều.

Phân tích với PV về trường hợp này, một cán bộ phòng chế độ BHXH TPHCM cho biết: Trường hợp anh Minh dù mức lương thu nhập là 15 triệu đồng/tháng, nhưng công ty chỉ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên mức lương 4,2 triệu đồng, còn lại công ty “xé nhỏ” ra thành các khoản phụ cấp khác. Chính vì vậy mức lương làm căn cứ nhận trợ cấp thất nghiệp của anh Minh chỉ là 4,2 triệu đồng. Mỗi tháng anh nhận được trợ cấp là 60% mức lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Còn những trường hợp khác cùng công ty họ được trợ cấp thất nghiệp cao hơn có thể là do khi thỏa thuận hợp đồng NLĐ đã kiên quyết nói không với việc “chẻ” lương của công ty, đồng thời yêu cầu đóng BHXH đúng với mức thực lãnh được ghi tại hợp đồng. Nên dù có thất nghiệp họ vẫn được nhận trợ cấp tới 60% của tổng thu nhập trong tháng.

Đa phần các trường hợp bị “xé nhỏ” tiền lương đóng BHXH rơi vào những đối tượng là NLĐ làm việc văn phòng, nhân viên kinh doanh, những người có thu nhập từ trung bình đến cao… Tuy nhiên, nhiều người ít quan tâm đến việc đóng BHXH mà chỉ chú ý đến thu nhập, hậu quả là chỉ khi nào đi làm chế độ bị ảnh hưởng quyền lợi mới biết thì đã muộn.

Người lao động mất quyền lợi

Tại cuộc họp mới đây, liên quan đến thực hiện Bộ Luật Lao động 2012, ông Nguyễn Tất Năm - Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Sở LĐTBXH TPHCM phân tích về vấn đề này rất cụ thể: “Hiện nay nhiều DN dùng “chiêu” xây dựng thang, bảng lương nhiều bậc, tách tiền lương thành nhiều khoản như mức lương, phụ cấp, trợ cấp, các khoản bổ sung khác để trốn đóng BHXH. Cá biệt nhiều DN quy định tiêu chuẩn nâng lương, điều kiện hưởng trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng và cách thưởng hằng tháng, quý, năm rất phức tạp, khó cho NLĐ theo dõi và giám sát thực hiện”.

Theo ông Năm, hiện nay nhiều DN đang tồn tại ba loại lương gồm: Lương tham gia BHXH, lương quyết toán thuế, lương thực chi cho người lao động. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, kiểm tra chính sách tiền lương đối với các DN. Ngoài ra, việc chấp hành quy định về thang, bảng lương trong các DN chưa cao. Thực tế có xây dựng nhưng không áp dụng hoặc áp dụng không đúng…

Còn bà Nguyễn Thị Thu - Phó Giám đốc BHXH TPHCM khuyến cáo, để tránh thiệt thòi quyền lợi, NLĐ phải tìm hiểu và nhận thức đầy đủ quy định của pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của mình, đặc biệt là khi ký HĐLĐ để tránh thiệt hại về sau. Bởi, nguyên tắc của BHXH là có đóng - có hưởng.

Nếu DN đóng BHXH đúng theo mức lương thực tế trả cho NLĐ thì mức hưởng chế độ cũng cao tương ứng. Hiện nay đang tồn tại một thực tế là khi xây dựng thang, bảng lương, các DN đã tách lương của NLĐ thành nhiều bậc, nhiều khoản gồm mức lương cơ bản, phụ cấp, trợ cấp và các khoản bổ sung khác, song khi đóng BHXH thì lại chỉ căn cứ trên mức lương cơ bản để giảm chi phí, dẫn đến mức hưởng của NLĐ bị thấp đi.

Theo bà Thu, quy định của BLLĐ và Luật BHXH nêu rõ từ ngày 1.1.2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH mới bao gồm: Lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Nên từ bây giờ hơn ai hết chính NLĐ phải tự nâng cao nhận thức trong việc ký kết HĐLĐ, tránh để DN tìm cách “xé nhỏ” lương ra thành nhiều khoản nhằm né đóng BHXH mà thiệt thòi quyền lợi về sau.

Theo Lê An Nhiên/Báo Lao động