1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Dịp 27/7: Truy tặng danh hiệu liệt sĩ tới cán bộ sinh năm 1891

(Dân trí) - “Toàn quốc đã xác nhận trên 2.000 hồ sơ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bổ sung, cấp mới và đổi 35.000 bằng Tổ quốc ghi công; thẩm định trình Chính phủ công nhận gần 500 liệt sĩ đợt 27/7/2017. Đặc biệt có trường hợp lớn tuổi nhất sinh năm 1891, đã hy sinh cách đây 75 năm…”


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tới thăm và tặng quà Mẹ Việt nam Anh hùng tại Thái Bình.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tới thăm và tặng quà Mẹ Việt nam Anh hùng tại Thái Bình.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp báo cáo kết quả công tác đền ơn đáp nghĩa do Bộ LĐ-TB&XH triển khai thời gian qua, tại buổi hợp báo công bố các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ. Chương trình do Ban tổ chức cấp Quốc gia các hoạt động kỷ niệm 70 Ngày thương binh liệt sĩ tổ chức chiều 10/7 tại Hà Nội.

Theo đó, trong đợt 27/7/2017, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ công nhận gần 500 liệt sĩ, hầu hết các trường hợp đều đã mất cách đây hàng chục năm và đang nằm trong những nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa được công nhận liệt sĩ.

“Cá biệt người lớn tuổi nhất là liệt sĩ Đặng Văn Tiết, sinh năm 1891, quê ở Long An (127 tuổi) đã hy sinh 75 năm” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết.

Đợt cao điểm truyên truyền 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn lưu ý: “Các cơ quan báo chí cần kết hợp mở đợt cao điểm tuyên truyền về dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ. Việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Mở chuyên trang, chuyên mục, đưa tin kỷ niệm của các ngành, các hoạt động về nguồn, hoạt động chăm lo tới gia đình thương binh liệt sĩ. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn lưu ý công tác đưa tin, phản ánh hoạt động của Cầu truyền hình trực tiếp về Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ hiệu quả và kịp thời.

Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, từ năm 2005 đến nay công tác tìm kiếm, quy tập đã đem lại kết quả với trên 70.500 hài cốt liệt sĩ, trong đó ở Lào: 16.613 hài cốt liệt sĩ; Campuchia: 15.148 hài cốt liệt sĩ; trong nước: 38.778 hài cốt liệt sĩ.

Bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN đã xác định danh tính cho 3.423 danh tính liệt sĩ tới thân nhân và tổ chức gắn bia ghi tên liệt sĩ.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, trước việc còn tồn đọng khá lớn hồ sơ kê khai song chưa được xác nhận có công. Đặc biệt là 5.900 hồ sơ kê khai liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh.

Năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động tổ chức triển khai việc thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng tại 5 tỉnh, thành phố, gồm: Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Long An và thành phố Đà Nẵng theo quy trình “cá biệt” với cách làm cởi mở, thông thoáng lấy cơ sở là nhân dân, là các bậc lão thành, dựa vào cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức xã hội với sự giám sát chặt chẽ của Mặt trận tổ quốc và công khai, minh bạch trong dân, trên các phương tiện thông tin.

Theo đó, quy trình đã giúp xác nhận được 75 liệt sĩ không còn hồ sơ hoặc thiếu thông tin trên cơ sở đó đề xuất Chính phủ có Nghị quyết 30, Nghị quyết 40 các phiên họp Chính phủ, giao Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, đề nghị xác nhận người có công.

Đến năm 2017, cả nước đã xác nhận trên 9 triệu lượt người có công, trong đó:

Liệt sĩ: gần 1.2 triệu người;

Bà mẹ Việt Nam anh hùng: trên 127.000 người;

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động: gần 1.300 người;

Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh: gần 800.000 người

Người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học: gần 312.000 người.

Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: gần 111.000 người.

(Nguồn: Bộ LĐ-TB&XH)

Hoàng Mạnh