Điều chỉnh lương tối thiểu: Cần tính đến lợi ích tổng thể nền kinh tế

Ngày 28/7 tới đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp và quyết định mức tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2018. Tuy nhiên, đến nay cộng đồng DN cả trong và ngoài nước đều đồng tình quan điểm cho rằng, năm 2018 chỉ nên tăng LTT ở mức đảm bảo hài hòa lợi ích DN, người lao động và quan trọng hơn là lợi ích tổng thể của nền kinh tế.

Số liệu của World Bank cho thấy, lương tối thiểu của VN đang có tốc độ tăng nhanh nhất trong khu vực. Cụ thể, VN có mức tăng gần 14%, Trung Quốc tăng 10%, còn Indonesia chỉ tăng 7%.

Việc tiền lương tối thiểu liên tục tăng đều đặn hàng năm sẽ vượt khả năng chi trả của DN. Công nhân dệt may tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Trần Việt
Việc tiền lương tối thiểu liên tục tăng đều đặn hàng năm sẽ vượt khả năng chi trả của DN. Công nhân dệt may tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Trần Việt

Doanh nghiệp không tồn tại, tăng lương sẽ không có ý nghĩa

Là một DN có sử dụng tới 1.200 lao động, nên quỹ tiền lương và BHXH đang thực sự là một gánh nặng với TCty May 10. Dù rất đồng tình với quan điểm lý thuyết cho rằng, rằng tăng lương tối thiểu để đảm bảo đời sống cho người lao động là hợp lý. Song, theo ông Thân Đức Việt - Phó tổng giám đốc TCty May 10 cũng cho rằng, việc tiền lương tối thiểu liên tục tăng đều đặn hàng năm sẽ vượt khả năng chi trả của DN.

Theo tính toán của ông Việt, với mức lương tối thiểu vùng 1 như hiện nay là 3,75 triệu đồng, cộng với hệ số 1,13 theo quy định, thì lương tối thiểu mà công ty đang trả cho người lao động là hơn 4 triệu đồng/tháng. Riêng mức tăng lương tối thiểu vùng như năm 2017, tiền đóng BHXH và các phí khác của Cty đã ngấp nghé 22 tỷ đồng. Quỹ lương hàng tháng Cty đang trả là 60 tỷ đồng/tháng trong khi lợi nhuận cả năm Cty chỉ đạt khoảng 50 tỷ đồng.

“Một khi DN không thể tồn tại thì việc tiền lương tối thiểu tăng 5%, 7% hay 13% sẽ không còn ý nghĩa. DN cũng sẽ không dám đầu tư mở rộng do chi phí cho nhân công cao dẫn đến mất khả năng cạnh tranh với các DN trong khu vực”- ông Việt chia sẻ.

Nỗi lo của May 10 cũng là trăn trở chung của nhiều DN, đặc biệt là DN sử dụng nhiều lao động. Điều đáng nói, mức tăng lương theo cái gọi là “lộ trình” này của Hội đồng tiền lương quốc gia cũng đang thực sự khiến cho cộng đồng DN nước ngoài đã và đang đầu tư tại VN có ý định phải cân nhắc.

Thông tin từ Chủ tịch DN Hàn Quốc tại VN (Korcham) cho biết, tính đến tháng 6/2017, Hàn Quốc đã đầu tư 54,5 tỉ USD vào VN và trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại tại VN hiện nay. Trên thực tế, các DN đã giúp hơn một triệu lao động VN có việc làm, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của VN trong thời gian qua. Điều đáng nói, theo quy định mới bắt đầu từ năm 2018, tất cả lao động nước ngoài làm việc tại VN đều phải đóng BHXH bắt buộc.

Nhiều DN đặt câu hỏi, vì sao người lao động Hàn Quốc đã đóng BHXH ở Hàn Quốc nhưng vẫn phải đóng thêm một lần BHXH nữa ở VN, cơ sở hạ tầng cũng như trình độ y tế ở VN còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhưng sao lại bắt người lao động nước ngoài phải đóng bảo hiểm y tế? Câu hỏi này đến nay, vẫn chưa nhận được lời giải đáp thỏa đáng từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Không ai được lợi

Theo ông Phạm Minh Huân - nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, lương tối thiểu không chỉ tăng khi chỉ số giá sinh hoạt tăng mà phải luôn tăng khi đất nước phát triể. Vì vậy, lương tối thiểu chỉ có thể luôn tiệm cận với mức sống tối thiểu chứ khó có thể đáp ứng hoàn toàn.

Trên thực tế, tìm hiểu của PV cho thấy, đối với người lao động, lương tối thiểu không phải vấn đề vì thực tế, đại đa số DN trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu. Trong đó, những thủ tục hành chính (sổ hộ khẩu đối với người lao động tạm trú...) mới là vấn đề khi người lao động không được tiếp cận các dịch vụ công cộng. Bởi lẽ, dù hàng năm lương có tăng nhưng chi phí tăng theo thì về cơ bản người lao động không thực sự được hưởng lợi.

Theo TS. Đinh Tuấn Minh - Trưởng nhóm nghiên cứu Market Intello, mức lương tối thiểu tăng lên không ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, chỉ tác động đến chi phí của DN. Ông Tuấn cụ thể hóa, hiện phần đóng trung bình 24% mà DN phải đóng cho các quyền lợi của người lao động (trong đó: 22% cho các loại bảo hiểm, 2% phí công đoàn) đều được tính dựa trên cơ sở mức lương tối thiểu. Do đó, tăng lương tối thiểu sẽ khiến cho chi phí của DN "dâng" lên một khoản đáng kể.

“Việc phải gánh chịu chi phí cao khiến cho DN phải tìm cách thức khác nhau để bù đắp vào, trong đó, không loại trừ khả năng cắt giảm những khoản khác của công nhân. Nếu quá trình co kéo đó diễn ra mạnh mẽ quá, công nhân cũng mất đi tinh thần làm việc, ảnh hưởng đến năng suất lao động. Tựu chung lại, từ chủ sử dụng lao động đến người lao động không ai được lợi”- ông Minh nhận định.

Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, kiêm Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia: “Hội đồng” sẽ cân nhắc

Giãn lộ trình tăng lương tối thiểu là một trong những ý kiến Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ phải cân nhắc. Trên thực tế, việc kiến nghị không tăng lương tối thiểu vùng 2018 là nguyện vọng chung của nhiều DN và hiệp hội DN trong, ngoài nước.

Tất cả ý kiến của DN đang được bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia tiếp nhận, phân tích để có cái nhìn tổng thể. Việc tăng lương tối thiểu sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố như mức sống tối thiểu, chỉ số giá tiêu dùng… Việc đảm bảo mức sống tối thiểu đã được quy định trong Luật Lao động và căn cứ trên thực tế, vì vậy, lương tối thiểu vùng năm 2018 vẫn sẽ tăng, nhưng tăng bao nhiêu sẽ quyết định tại phiên họp Hội đồng Tiền lương sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 này.

Còn việc lao động nước ngoài phải đóng BHXH bắt buộc, bao gồm cả chế độ ngắn hạn và dài hạn (hưu trí, tử tuất), là căn cứ vào Hiến pháp của VN đã quy định tất cả lao động phải được đảm bảo an sinh xã hội và Việt Nam mong muốn không phân biệt đối xử giữa lao động trong và ngoài nước.

Hơn nữa, đây cũng là một trong những biện pháp để bảo vệ lao động trong nước. Chi phí tuyển dụng lao động trong nước sẽ cao hơn tuyển lao động nước ngoài nếu lao động trong nước phải đóng BHXH bắt buộc, trong khi lao động nước ngoài thì không.

Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp