1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tác động của Luật BHXH tới lao động nữ:

“Điều chỉnh lương hưu lao động nữ, cần đánh giá tác động cụ thể”

(Dân trí) - Chỉ khoảng 2 tháng nữa, từ 1/1/2018, quy định trong Luật BHXH về giảm tỷ lệ lương hưu của nữ có 16 năm đóng BHXH từ 3% xuống 2% sẽ có hiệu lực. Trong khi quy định hiện nay là 3%. Đây là điều đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều của dư luận xã hội.

“Điều chỉnh lương hưu lao động nữ, cần đánh giá tác động cụ thể” - 1

Liên quan tới vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Thưa ông, dư luận đang có nhiều ý kiến về quy định điều chỉnh cách tính lương hưu của lao động nữ trong Luật Bảo hiểm xã hội sẽ có hiệu lực từ 1/1/2018. Vậy, xin quay ngược trở lại thời gian soạn thảo và xin ý kiến xây dựng Luật BHXH, Chính phủ đã đề xuất các phương án ra sao về nội dung này?

- Khi Chính phủ trình ra Quốc hội khoá XIII tại kỳ họp thứ 7 dự án Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi, liên quan đến để xuất điều chỉnh về điều kiện hưởng lương hưu và mức hưởng lương hưu hàng tháng của người lao động theo hướng: Quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng và sửa đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu theo hướng từ năm 2016 trở đi mỗi năm tăng thêm 1 năm cho đến khi 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45%, theo nguyên tắc đóng - hưởng.

Trong quá trình xem xét và cho ý kiến, Quốc hội thấy rằng việc điều chỉnh theo hướng tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động đều hướng tới mục tiêu bảo đảm việc cân đối đóng - hưởng BHXH.

Tuy nhiên, Quốc hội không đồng ý với việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Do đó, trong điều kiện tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động thì cần giảm thiểu tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ.

Việc thực hiện quy định này phải đồng bộ với lộ trình thu BHXH (theo Điều 90 Bộ luật lao động) để đảm bảo tiền lương hưu người lao động thực nhận không bị sụt giảm nhiều so với trước đó.

Bên cạnh đó, do tuổi nghỉ hưu của nam, nữ chênh lệch 5 năm nên cần phải bảo đảm bình đẳng giới khi điều chỉnh chính sách này.

bui sy loi

Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Đồng thời, cần có lộ trình nâng số năm đóng BHXH của nam giới từ 15 năm lên 20 năm để đạt 45% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu. Cụ thể: năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm.

Việc thực hiện lộ trình này sẽ tạo điều kiện để lao động nam có thời gian thích ứng với các thay đổi chính sách theo nguyên tắc đóng - hưởng đảm bảo mục tiêu xây dựng Luật. Việc điều chỉnh công thức tính lương hưu đối với lao động nam có lộ trình hợp lý hơn so với lộ trình của lao động nữ trong việc tăng thời gian đóng.

Ông có thể phân tích rõ hơn những lý do khiến Quốc hội quyết định chọn phương án giảm mức lương hưu của lao động nữ có số năm đóng BHXH thứ 16 trở đi xuống 2 % như quy định trong Luật BHXH, thưa ông?

- Quốc hội đã quyết định chọn phương án giảm mức lương hưu của lao động nữ kể từ năm đóng BHXH thứ 16 trở đi xuống 2 % như quy định trong Luật BHXH.

Nói cách khác, việc điều chỉnh tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động lên 5 năm (30 năm với lao động nữ và 35 năm với lao động nam) để được hưởng tối đa là 75% mức lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội là bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng và bảo đảm cân bằng quỹ.

Theo báo cáo cuả BHXH Việt Nam, số năm bình quân nghỉ hưu của nữ và nam đều đang trong quá trình tăng lên. Cụ thể tới năm 2016, số năm đóng BHXH thực tế của nữ là 28,81 năm, tuổi bình quân khi về hưu là 54,1 tuổi; tương ứng của nam là 32,32 năm và 57 tuổi.

Đồng thời giảm tỷ lệ tính lương hưu của nữ từ năm thứ 16 trở đi 3% xuống 2% (giảm 1%) là phù hợp với chính sách công bằng có đóng có hưởng.

Tuy nhiên hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng việc điều chỉnh mức lương hưu như trên sẽ gây thiệt thòi cho lao động nữ, ý kiến của ông ra sao?

- Khi xem xét điều chỉnh các chính sách, Nhà nước luôn tính đến những tác động của chính sách trong đó mục tiêu hạn chế tối đa các tác động tiêu cực, làm ảnh hưởng đến các đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp.

Việc điều chỉnh về công thức tính lương hưu trong Luật bảo hiểm xã hội 2014 là thể chế hóa quan điểm của Đảng trong nội dung sửa đổi Luật BHXH và hướng đến mục tiêu xây dựng lộ trình hợp lý nhằm điều chỉnh công thức tính lương hưu và cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ BHXH theo hướng bảo đảm tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng và khả năng cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn và Luật bảo hiểm xã hội đã được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.

Tuy nhiên, có ý kiến phản ánh về vấn đề điều chỉnh công thức tính lương hưu đối với lao động nữ cần phải xem xét có lộ trình phù hợp hơn.

Như vậy, có thể coi đây là những phản hồi về chính sách. Quốc hội, Chính phủ đã lắng nghe, ghi nhận các ý kiến phản ánh đó của cử tri và sẽ nghiên cứu, xem xét và nếu phù hợp thì cũng có thể tính đến các giải pháp để xử lý.

Tuy nhiên, việc này cần phải tuân thủ đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là tới năm 2018, vậy theo ông có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?

- Như đã phân tích ở trên và đến năm 2016 số năm đóng BHXH thực tế của nữ đã đạt gần 28 năm với tuổi bình quân khi về hưu là 54,1 tuổi; tương ứng của nam là 32,32 năm và 57 tuổi.

Do đó tính chung thì lao động nữ nghỉ hưu bình quân chỉ giảm 2 năm tương ứng với 4% giảm lương hưu.

Tuy nhiên, nếu số lao động nghỉ hưu từ 1/1/2018 trở đi mới đủ 25 năm đến dưới 30 năm đóng BHXH sẽ bị giảm trừ có tác động như lao động nam.

Để có cơ sở xem xét, trước tiên các bộ, ngành, cơ quan được Chính phủ giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội phải có đánh giá cụ thể số người chịu tác động và những ảnh hưởng của chính sách để tham mưu, đề xuất cho Chính phủ trình Quốc hội xem xét theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng Chính phủ có thể đề xuất Quốc hội cho giãn lộ trình thực hiện để giảm “sốc” tác động của một số người bị giảm sút lương hưu như lộ trình của lao động nam, điều này ảnh hưởng không lớn đến quỹ BHXH.

Qua việc phản ứng của dư luận xã hội trước một điều luật về BHXH khi còn chưa có hiệu lực, điều gì có thể rút ra từ đây, thưa ông?

- Thay đổi chính sách bao giờ cũng có tác động cả ngược chiều và thuận chiều. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu để lựa chọn một phương án tối ưu nhưng phải tuân thủ nguyên tắc chung và bảo đảm quyền lợi vừa trước mắt, cũng như lâu dài của số đông người lao động và bảo đảm an toàn, cân bằng quỹ.

Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh thực hiện