1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Dịch Covid-19: Doanh nghiệp, người lao động ngành dệt may gặp khó

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 thời gian qua, nhất là những diễn biến mới tại Châu Âu và Mỹ - các thị trường lớn của ngành Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) dệt may đang gặp nhiều khó khăn.

Nhiều DN phải cắt giảm quy mô sản xuất, giãn ca khiến đời sống của người lao động ngành này vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 thời gian qua, nhất là những diễn biến mới tại Châu Âu và Mỹ - các thị trường lớn của ngành Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) dệt may đang gặp nhiều khó khăn.

Nhiều DN phải cắt giảm quy mô sản xuất, giãn ca khiến đời sống của người lao động ngành này vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.

Dịch Covid-19: Doanh nghiệp, người lao động ngành dệt may gặp khó - 1
Lao động ngành Dệt may đang đối mặt với những khó khăn về việc làm, thu nhập do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Quế Chi

Thu nhập của công nhân may giảm

Chị Nguyễn Thị T - công nhân (CN) Công ty (Cty) Tinh Lợi (chuyên sản xuất hàng may mặc ở tỉnh Hải Dương) - cho biết, trước đây, công ty tổ chức làm tăng ca và làm vào ngày thứ 7, đồng thời thỉnh thoảng tổ chức đi làm vào chủ nhật.

“Còn bây giờ, do ảnh hưởng của COVID-19, công việc ít, công ty chỉ tổ chức làm theo giờ hành chính. Vào thứ 7, chỉ một số CN đi làm, chủ nhật thì nghỉ”- chị T nói.

Vì chỉ còn đi làm vào giờ hành chính, nên thu nhập của chị T đã giảm rất nhiều. Chị cho hay, trước đây thu nhập của chị khoảng 7 triệu đồng/tháng, bây giờ chỉ còn 5 triệu đồng/tháng.

Thu nhập giảm dĩ nhiên ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chị. Chồng chị T đã mất, một mình đi làm nuôi con (năm nay 13 tuổi). Vì quá khó khăn, chị đành phải gửi con về cho ông bà ở Nghệ An trông, còn mình chị trọ ở Hải Dương kiếm tiền.

Thu nhập ít ỏi, vì vậy, nhiều năm đi làm CN nhưng chị T vẫn không giành dụm được đồng nào. Khó khăn lại càng khó khăn hơn khi DN bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tại Bắc Giang, vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3 vừa qua, 2 DN trong ngành may mặc trong các khu công nghiệp đã cho nhiều người lao động (NLĐ) ngừng việc một số ngày do dịch COVID-19.

Cụ thể, Cty TNHH Crystal Intimate Việt Nam (chuyên sản xuất hàng may mặc) đã phải cho công nhân (CN) ngừng việc trong 2 ngày: Ngày 28.2 cho 864 người của bộ phận May, Kiểm hàng, Đóng gói và Sửa máy nghỉ; ngày 29.2, 987 người của toàn nhà máy nghỉ.

Còn Cty trách nhiệm hữu hạn Crystal Martin (Việt Nam) cho NLĐ nghỉ việc trong 3 ngày: ngày 29.2, nghỉ 8.220 người (toàn bộ nhà máy); ngày 6.3 và ngày 7.3, 6.458 người bộ phận May, Kiểm hàng, Đóng gói và Sửa máy nghỉ.

Sau khi thống nhất với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, đại diện tập thể NLĐ, hai Cty này đã có kế hoạch ngừng việc gửi lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang, CĐ các KCN tỉnh Bắc Giang.

Theo đó, 2 Cty trả lương các ngày nghỉ do ngừng việc bằng 70% mức lương ghi trên hợp đồng lao động và được tính tương ứng với hình thức trả lương theo thời gian. Trường hợp mức trả này thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, thì mức trả sẽ bằng mức lương tối thiểu vùng hiện hành áp dụng tại khu vực mà DN hoạt động (3.430.000 đồng/người/tháng).

Tìm giải pháp hạn chế tối đa giảm bớt lao động

Ngày 19.3, trả lời báo chí, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - cho hay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 lan rộng tại Châu Âu và Mỹ, chỉ trong vòng 3 ngày 16-18.3, rất nhiều khách hàng lớn trên thế giới ở cả Châu Âu và Mỹ đã thông báo mang chiều hướng tiêu cực đối với sản xuất may mặc trong nước.

Theo đó, trước hết, các đơn hàng đều có xu thế giãn thời gian giao hàng ra (3 đến 4 tháng) để trông chờ thị trường phục hồi trở lại.

Ngoài ra, có một số mặt hàng mang tính chất mùa vụ mà khách hàng nhận thấy kinh doanh ngay tháng 3, 4 cũng hết sức khó khăn nên đã có hiện tượng hủy đơn hàng.

Số lượng hủy đơn hàng này cũng tương đương năng lực sản xuất của nhiều đơn vị lên tới một nửa tháng sản xuất (tương ứng 3-3,5% sản lượng của cả một năm).

“Đây là tình huống mà ngành Dệt may Việt Nam và Tập đoàn Dệt may Việt Nam chưa bao giờ gặp phải. Chúng ta đã trải qua những lần khủng hoảng kinh tế Châu Á, khủng hoảng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, những lần đó cầu giảm nhưng tiến độ đơn hàng đi vẫn duy trì, vẫn tổ chức sản xuất được. Còn lần này có hiện tượng đẩy lùi thời gian trả hàng ra và đặc biệt kể cả hủy đơn hàng. Nếu tình trạng này kéo dài, không chỉ ngành Dệt may mà tất cả ngành sản xuất lớn sẽ đều gặp khó khăn trong năm 2020” - ông Trường chia sẻ.

Ông Trường cho biết thêm, ngành Dệt may sử dụng lao động lớn, quỹ lương trả cho lao động dệt may rất lớn. Tập đoàn đang tìm các giải pháp tích cực để hạn chế tối đa việc phải giảm bớt lao động ở các đơn vị.

Trước hết, tập đoàn sẽ đi vào hướng ban đầu là không tăng giờ làm; nghỉ 2 ngày 1 tuần và nếu tiếp tục nữa thì có thể phải giảm cả số ngày làm việc của công nhân (CN) với mục tiêu duy trì số lượng người CN.

“Có khả năng CN, người lãnh đạo DN phải cùng chia sẻ thu nhập thấp hơn mọi khi nhưng đạt được mức thu nhập tối thiểu theo quy định và cùng nhau chia sẻ khó khăn này để chờ thị trường vượt qua điểm đáy và phục hồi trở lại. Sự chia sẻ này sẽ tạo sự gắn bó giữa NLĐ và người sử dụng lao động lâu dài” - ông Trường nói.

Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch CĐ Dệt May Việt Nam - nói rằng, trước những khó khăn trên, CĐ đồng hành cùng CNLĐ để ổn định tư tưởng; hỗ trợ những đơn vị, NLĐ gặp khó khăn, ảnh hưởng thu nhập.

“Hiện tại chưa có biến động gì quá lớn. CN không phải tăng ca như trước. Số ngày nghỉ của NLĐ trong những đơn vị thuộc CĐ ngành mới chỉ dừng lại ở thứ 7, chủ nhật, chưa có xáo trộn quá lớn ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm của NLĐ. Hiện CĐ Dệt may Việt Nam chưa ghi nhận đơn vị nào phải nghỉ vì không có việc. Bên cạnh đó, CĐ đang đồng hành, động viên, chia sẻ, thăm hỏi NLĐ tại những đơn vị sản xuất mặt hàng khẩu trang hiện phải làm việc nhiều hơn điều kiện bình thường” - bà Tâm nói.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), cả nước hiện nay có hơn 55 triệu lao động có việc làm, trong đó gần 15 triệu lao động làm việc trong các DN; hơn 9 triệu lao động đang làm việc trong các hợp tác xã, cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp.

Qua báo cáo nhanh của các DN, khoảng 10% DN phải cắt giảm quy mô sản xuất trong tháng 2. Bước sang đầu tháng 3, đặc biệt tuần thứ 2 của tháng 3, khi dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, số lượng DN phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% trong tổng số DN. 

Bộ LĐTBXH đánh giá, các DN thực hiện cắt giảm tập trung vào ngành dệt may với gần 2,8 triệu lao động đang làm việc. Nhiều DN đã phải áp dụng các biện pháp giãn ca, không làm thêm giờ, đặc biệt là vào thứ bảy, chủ nhật. Hoa Lê (ghi)

Theo Quế Chi/Lao động