Đi xin việc khắp nơi, cô gái khuyết tật bị thẳng thừng từ chối

Định kiến của xã hội là nguyên nhân chính khiến người khuyết tật gần như bị "đóng cửa" trước thị trường lao động.

Theo Bộ LĐTBXH, hiện nay Việt Nam có trên 7,2 triệu người khuyết tật (NKT) từ 5 tuổi trở lên, chiếm 7,8% dân số. Vấn đề tìm việc và trụ lại được với công việc là một thách thức rất lớn đối với NKT. Sự tự ti về bản thân, định kiến của xã hội là những nguyên nhân chính dẫn đến khó tìm việc cho NKT hiện nay.

Đi xin việc, chỗ nào cũng từ chối

Chị Hoàng Thị H., hiện làm việc tại Trung tâm Vì Ngày Mai (Hà Nội) cho biết, mặc dù đã cầm hồ sơ đi xin việc hết nơi này đến nơi khác nhưng chị đều nhận được những cái lắc đầu từ chối. Có nơi tế nhị hơn thì nói “hết chỉ tiêu rồi”, hoặc “hẹn em lần sau”. Nhưng cũng có trường hợp từ chối thẳng thừng vì chị là người khuyết tật, không đủ tiêu chuẩn, khiến chị thất vọng và cảm thấy mình như “người thừa” trong xã hội.

Các sản phẩm của Trung tâm Vì Ngày Mai
Các sản phẩm của Trung tâm Vì Ngày Mai

“Tới một công ty da giày ở Hải Phòng, họ nói rằng do chân tôi ngắn không làm được việc, nên đã từ chối. Không những tôi, nhiều người khuyết tật khác cũng thấy rất khó khăn khi đi xin việc làm. Hầu hết các doanh nghiệp lớn, cơ quan bên ngoài không nhận chúng tôi, cho nên NKT chỉ biết tìm đến các trung tâm dành cho NKT” – chị H. chia sẻ.

Hiện công việc của chị H. tại Trung tâm là làm thủ quỹ. Tuy nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe, thu nhập cũng tạm đủ trang trải cuộc sống nhưng về lâu dài, chị vẫn muốn có cơ hội được làm việc tại một doanh nghiệp bình thường bên ngoài.

Chị cho biết: “Mọi người cứ nhìn thấy NKT là không muốn nhận vào làm việc. Vì thế sẽ rất bất công cho NKT, bởi họ cũng mong muốn được đóng góp cho xã hội và muốn được trao cơ hội bình đẳng như những người khác”.

Anh Vương Văn Triều ở Xuân Giang, Sóc Sơn (Hà Nội), một NKT vận động bẩm sinh ở chân cũng cho biết, năm nay anh 35 tuổi và không nhớ đã đi xin việc ở bao nhiêu nơi. Hễ có chương trình lao động nào dành cho NKT là anh tìm đến, nhưng để kiếm được một việc làm cho thu nhập nuôi bản thân và gia đình là rất khó khăn. Nhiều nơi cứ hứa với anh, nhưng kết cục vẫn là con số không. Nguyên nhân vẫn là “lý do sức khỏe”.

Anh Triều đang tìm hiểu thông tin việc làm, nhưng anh nói: Rất khó
Anh Triều đang tìm hiểu thông tin việc làm, nhưng anh nói: "Rất khó"

“Tôi đã đi tìm kiếm việc làm ở nhiều công ty, nhưng chẳng nơi nào nhận. Nhà gần khu công nghiệp Nội Bài nhưng cũng chẳng xin được việc, dù tôi có đủ sức khỏe để làm công nhân bốc vác, bán hàng, trông xe…” – anh Triều nói.

Do không kiếm được việc làm, nên công việc chính của anh là ở nhà trông con, nuôi lợn. Vợ anh làm công nhân ở nhà máy Samsung là lao động chính. Nhiều khi anh rất thương vợ, muốn đỡ đần vợ kiếm thêm thu nhập nhưng cảm thấy bất lực. Anh thừa nhận: “Những người tàn tật như chúng tôi khó tìm việc lắm. NKT vốn đã khó khăn, không có việc làm lại càng vất vả hơn. Ai có điều kiện thì mở cửa hàng kinh doanh, còn không chỉ biết ở nhà”.

Cơ hội nào NKT?

Anh Thủy, một NKT chia sẻ: “Có người nói với tôi là tiêu chí tuyển nhân viên của họ phải cao ráo, trông được để còn tiếp khách, giao dịch. Còn những NKT thì họ không mong muốn. Nhiều cơ quan đăng ký tuyển dụng cũng yêu cầu chiều cao, cân nặng, khiến NKT chẳng còn cơ hội nào”.

Nhiều người ký kêu gọi tạo sự bình đẳng cho NKT
Nhiều người ký kêu gọi tạo sự bình đẳng cho NKT

Theo đánh giá, luật pháp đã có quy định khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận lao động là NKT. Nếu việc này được thực thi, đây là tín hiệu tốt giữa doanh nghiệp và NKT. Doanh nghiệp đã nhìn vào khả năng của NKT hơn là sức khỏe của họ.

Tuy nhiên, theo bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội NKT Hà Nội, hiện nhiều doanh nghiệp chưa có cái nhìn thiện chí, cho nên NKT vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận với thị trường lao động. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị vẫn tạo rào cản đối với NKT về những tiêu chí tuyển dụng lao động họ đưa ra.

Bà Dương Thị Vân
Bà Dương Thị Vân

Bà Dương Thị Vân kiến nghị: “Theo tôi cần phải thúc đẩy cả hai phía. NKT hãy năng động lên, hãy tự tin khẳng định mình, cố gắng học nghề để có thể tham gia vào thị trường lao động. Bên cạnh đó toàn xã hội phải cố gắng dỡ bỏ các rào cản về nhận thức, môi trường, xây dựng các văn bản pháp quy để làm sao hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như NKT được gặp nhau.

NKT cần được hòa nhập trong thị trường lao động, phù hợp với họ. Đấy mới là điều chúng tôi mong muốn. Có nghĩa NKT phải được tham gia vào tất cả các lĩnh vực xã hội khác nhau, nhất là việc làm. Thực tế cho thấy, nhiều NKT tham gia lĩnh vực công nghệ thông tin và đã rất thành công. Điều quan trọng là các văn bản pháp quy về NKT cần được doanh nghiệp, xã hội hưởng ứng và thực thi”.

Một số NKT cho rằng, việc từ chối họ tham gia thị trường lao động khiến NKT bị tổn thương thêm một lần nữa. NKT là một lực lượng lao động có ích trong xã hội. Nếu được nhìn nhận bình đẳng, NKT thấy được vị thế kinh tế của họ; gia đình và xã hội sẽ đỡ gánh nặng hơn, xã hội sẽ văn minh hơn.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam Nguyễn Trọng Đàm cũng nhấn mạnh, mọi người dân cần nâng cao nhận thức và xóa bỏ những rào cản, kỳ thị xã hội đối với NKT; có cái nhìn đúng hơn, phù hợp hơn và cởi mở hơn, để người khuyết tật có thể tự tin tham gia vào mọi lĩnh vực xã hội và đặc biệt trao cho họ quyền tự quyết định cuộc sống của họ.

Theo VOV.VN