1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đề xuất trả lương theo năng lực

Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã đề xuất một loạt cơ chế, chính sách đặc thù. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất về biên chế bộ máy hành chính.

Hiện nay, năng suất lao động của TP Hồ Chí Minh cao gấp 2,7 lần so với năng suất lao động bình quân cả nước, trong đó, riêng của công chức, viên chức và người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố cao gấp 1,5 lần.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong năm 2017, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu có 50.000 doanh nghiệp được thành lập mới. Như vậy, chỉ riêng Sở Kế hoạch - Đầu tư, trung bình mỗi tháng phải tiếp nhận trên 4.150 hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Mỗi ngày, cơ quan này đón tiếp rất nhiều người dân, doanh nghiệp đến giải quyết thủ tục hành chính.

Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư "than" rằng, hiện Sở đang có ba áp lực lớn: Sức ép về khối lượng công việc, sức ép về lập nhiều tổ công tác (329 tổ công tác) và sức ép về... họp. Còn tại Sở Xây dựng, ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở cho biết, trong 3 năm qua, Sở tiếp nhận trung bình 70.000 hồ sơ các loại/năm. Năm 2014 cấp 54.000 giấy phép xây dựng; năm 2016 và 2017 đều cấp 60.000 giấy phép xây dựng/năm.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, với khối lượng công việc tiếp nhận trong ngày nhiều nhất cả nước, nếu không được tự chủ về biên chế và thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì năng lực, hiệu quả giải quyết công việc không thể nào bứt phá.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đề xuất được quyền quyết định mức trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước với mức bình quân bằng khoảng 2 lần thu nhập bình quân cả nước.

Tại buổi làm việc vừa qua giữa Ban Cán sự đảng Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và các cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục đề xuất các cơ chế phát triển đặc thù cho thành phố. Trong 4 nhóm vấn đề về cơ chế, chính sách đặc thù có vấn đề về trả lương theo năng suất, hiệu quả lao động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.

Đồng tình với đề xuất này, TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, làm sao để TP Hồ Chí Minh chủ động xây dựng đội ngũ công chức, viên chức địa phương và chế độ đãi ngộ tương xứng với số lượng công việc. Theo TS Trần Du Lịch, chúng ta cần phân rõ quyền cho HĐND và UBND thành phố có quyền quyết định bộ máy công chức của mình sao cho phù hợp mà không phải theo các tỉnh, thành phố khác.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh cũng ủng hộ việc trả lương theo năng lực cán bộ, công chức, viên chức. Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, để làm được việc này thì phải kết hợp với thực hiện tinh giản biên chế.

"Quỹ lương của chúng ta không tăng, chúng ta phải đãi ngộ tương xứng, đúng người, đúng việc. Cơ sở trả lương phải dựa trên năng lực và năng suất, hiệu quả giải quyết công việc của cán bộ. Như vậy, chúng ta vừa sàng lọc được những người ưu tú, vừa giúp họ yên tâm cống hiến", PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Theo Nguyễn Lê/Hà Nội mới