1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đề xuất tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2021 - 2025

(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo Quyết định về việc ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến, tiêu chí này sẽ được ban hành trong năm 2020.

Tiêu chí chuẩn mức sống

Theo đó, phương án chuẩn mức sống tối thiểu giai đoạn 2021-2025 ước tính là 1.586.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 2.065.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.

Trên cơ sở tính toán của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chuẩn mức sống trung bình ở Việt Nam cao gấp 1,5 lần chuẩn mức sống tối thiểu, tương ứng với từng khu vực nông thôn và thành thị.

Đề xuất tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2021 - 2025 - 1

Trong Dự thảo, tiêu chí về mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, dự thảo đề xuất các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 6 dịch vụ: y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin; việc làm.

Do vậy, chuẩn mức sống trung bình được đề xuất là 2,25 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 3 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.

Dự báo tại thời điểm tháng 1/2021, cả nước có khoảng 13,2% hộ dân cư có thu nhập bình quân trên mức sống tối thiểu đến mức sống trung bình, tương ứng với khoảng 3,57 triệu hộ, tương ứng với khoảng 13,88 triệu người.

Trong đó, khoảng 14,5 % hộ dân cư ở khu vực nông thôn và khoảng 10,8% hộ dân cư ở khu vực thành thị.

Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản được đề xuất gồm 12 chỉ số: dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục, đào tạo của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt an toàn; nhà tiêu hợp vệ sinh; tiếp cận thông tin; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ viễn thông; tiếp cận việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình.

Nâng chuẩn về hộ nghèo, cận nghèo

Dự thảo của Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất quy định về chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2021-2025.

Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, ước tính tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khoảng 9,3%, tương ứng với 2,5 triệu hộ, 10 triệu khẩu; tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 7 %, tương ứng với 1,89 triệu hộ, 7,61 triệu khẩu.

Cụ thể, hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Ở khu vực thành thị, hộ nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Ở khu vực thành thị, hộ cận nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Hộ có mức sống trung bình ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng. Ở khu vực thành thị, hộ có mức sống trung bình là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Bộ LĐ-TB&XH ước tính khi thực hiện chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 chỉ đạt 78,30% so với giai đoạn 2016-2020...

Ban hành trong năm 2020

Dự thảo hiện tại đang được lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành và địa phương về dự thảo Tờ trình, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia  áp dụng cho giai đoạn 2021-2025.

Theo lộ trình, trong tháng 5/2020, Dự thảo đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH để lấy ý kiến nhân dân.

Trên cơ sở của các Bộ, ngành và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB&XH sẽ chỉnh lý hồ sơ, báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định trong tháng 6/2020.

Minh Anh