1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đề xuất nghề giáo viên mầm non là nặng nhọc

Tổng LĐLĐ VN vừa đề xuất giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc, được nghỉ hưu sớm bởi công việc “không những dạy mà còn phải dỗ trẻ”. Ý kiến trên đã được nhiều người ủng hộ vì cho rằng, giáo viên mầm non đang chịu quá nhiều áp lực.

Tổng LĐLĐ VN vừa đề xuất giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc, được nghỉ hưu sớm bởi công việc “không những dạy mà còn phải dỗ trẻ”. Ý kiến trên đã được nhiều người ủng hộ vì cho rằng, giáo viên mầm non đang chịu quá nhiều áp lực.

“Chả nhẽ để trẻ hát cô là… bà”

Góp ý về dự thảo Nghị định quy định tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu mới đây, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) - đề xuất xếp giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, nên nghỉ hưu sớm ở tuổi 55 hoặc sớm hơn.

Ông Hiểu phân tích, giáo viên mầm non phải đến sớm đón trẻ và kết thúc công việc muộn, số giờ làm việc thường vượt quá quy định. Giáo viên mầm non không chỉ dạy mà còn dỗ, múa, hát, áp lực công việc lớn.

Đề xuất nghề giáo viên mầm non  là nặng nhọc - 1

 Ảnh: Huyên Nguyễn

Từng đi thực tế ở quận Tân Bình (TPHCM), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, có giáo viên 46 tuổi đứng lên nói “không biết lúc tôi 50 tuổi, các cháu còn muốn nghe cô múa hát nữa không”.

Còn ông Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - cho rằng, từ 55 tuổi trở lên, giáo viên mầm non bị hạn chế khi thực hiện các thao tác chuyên môn như múa, hát, hướng dẫn hoạt động thể lực, chạy, nhảy cho học sinh.

Chương trình giáo dục mầm non không chỉ bó hẹp ở chăm trẻ, còn phải đáp ứng được yêu cầu của nhiều chương trình chuẩn quốc tế cũng trở thành thách thức với các cô giáo cao tuổi.

Hiện nay, thực tế giờ làm việc của giáo viên mầm non khoảng 10 tiếng mỗi ngày. “Các cô phải đến trường lúc 6h sáng và 6h tối mới trở về. Cường độ làm việc cao, sức ép từ sự giữ an toàn cho trẻ căng thẳng kéo dài làm cho sức khỏe giảm sút nhanh, nghiêm trọng theo thời gian” - ông Ân nói.

Một thực tế được bà Cù Thị Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) - chia sẻ: “Trước đây, chúng ta hay nghe câu hát “cô là mẹ và các cháu là con”, thì tới đây nếu nghỉ hưu ở tuổi cao, cô sẽ là... bà và các cháu là con.

Bà Thuỷ nói rằng, giáo viên mầm non là ngành giáo dục đặc biệt, để nói là nặng nhọc, độc hại thì cần phải tính toán, nhưng 1 lớp có 30 cháu thì tiếng ồn của trẻ cũng rất cao. Đòi hỏi của phụ huynh, của trẻ là những áp lực rất lớn đối với giáo viên.

Theo quy định của Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi với nam vào năm 2028 và đủ 60 với nữ vào năm 2035.

Tuy nhiên, người lao động (NLĐ) nặng nhọc, độc hại ở vùng đặc biệt khó khăn hay trong điều kiện đặc biệt độc hại, nặng nhọc được quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 năm. Như vậy, nếu được bổ sung vào danh mục này, giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi 57 với nam và 55 đối với nữ.

Giáo viên mầm non đang gặp nhiều áp lực

Chia sẻ khó khăn áp lực của giáo viên trong một hội nghị đánh giá thời gian làm việc, chính sách đối với giáo viên, nhân viên cấp mầm non, bà Trần Thị Tố Uyên - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GDĐT tỉnh Điện Biên - cho biết: Hiện nay, tỉ lệ bình quân giáo viên/lớp của tỉnh khá thấp so với các tỉnh lân cận. Điều đó dẫn tới áp lực công việc cao và quá tải về cường độ lao động cho giáo viên, nhân viên ở một số trường, đặc biệt là ở vùng khó khăn.

Cùng chung khó khăn trên, bà Trần Thị Thúy - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GDĐT tỉnh Thái Nguyên - chia sẻ: Tỉnh Thái Nguyên đã có quy định các trường phân công 1 giáo viên trực đón trẻ sớm và được về sớm, 1 giáo viên đến trường muộn hơn và trả trẻ muộn để thời gian làm việc đủ 8 tiếng/ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, khá nhiều trường mầm non không thực hiện được.

“Vì số trẻ đông, quá tải trẻ/lớp, nếu để 1 giáo viên trực không đảm bảo an toàn cho trẻ nên 2 giáo viên phải cùng nhau làm việc, dẫn đến tình trạng vượt giờ so với quy định bình quân khoảng 1,5 đến 2 giờ/ngày. Ngoài ra, các trường mầm non thường phải tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên vào ngoài giờ nên thực tế số giờ vượt so với quy định còn cao hơn nữa” - bà Thuý cho hay.

Còn Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GDĐT Tuyên Quang Vũ Văn Dũng nhấn mạnh: “Số giờ làm việc thực tế của giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt vùng dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn vượt quá nhiều so với quy định (làm việc từ 9 đến 10 giờ/ngày) nhưng cũng chưa được tính thêm làm ngoài giờ”.

Chia sẻ về áp lực của giáo viên mầm non và đề xuất của Tổng LĐLĐ VN, GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT - rất đồng tình.

Theo GS Hạc, những khó khăn với giáo viên mầm non là điều nhìn thấy rõ mà lâu nay chúng ta chưa giải quyết được. Nếu tăng thêm tuổi lao động sẽ như tăng thêm gánh nặng cho đội ngũ này. Không chỉ riêng quy định về tuổi lao động, nguyên bộ trưởng còn đề xuất phải xem xét thêm cả về chế độ tiền lương, thu nhập đối với giáo viên mầm non sao cho xứng đáng với công sức.

Còn bà Trịnh Thanh Hằng - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn - cho rằng, nên quy định theo hướng trao “quyền” cho NLĐ.

“Về quy định nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nên quy định theo hướng trao “quyền” cho NLĐ. Nghĩa là nếu họ có nguyện vọng tiếp tục làm việc và sức khỏe vẫn đảm bảo, đơn vị có nhu cầu thì có thể tiếp tục làm việc đến tuổi nghỉ hưu như NLĐ trong điều kiện bình thường” - bà Hằng nói.

96% giáo viên mầm non muốn về hưu ở tuổi 55

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - dẫn khảo sát nhanh trên gần 10.700 giáo viên mầm non trong một tuần, 96% giáo viên đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như cũ.

Theo Huyên Nguyễn

Báo Lao động