1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đề xuất mở rộng khung làm thêm giờ lên 400 giờ/năm

(Dân trí) - Dự thảo Tờ trình sửa đổi Luật Lao động được Bộ LĐ-TB&XH công bố và lấy ý kiến của dư luận có thêm nội dung về đề xuất mở rộng khung làm thêm giờ từ 300 giờ thành 400 giờ trong một số trường hợp đặc biệt và có sự đồng ý của người lao động.

Mức 300 giờ/năm, đôi chỗ còn bất cập

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động (NLĐ) là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm.

Trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm và doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.

Đề xuất mở rộng khung làm thêm giờ lên 400 giờ/năm - 1

Ảnh: Internet

Trong quá trình xây dựng dự thảo, Ban soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến đề xuất nghiên cứu sửa đổi Bộ luật theo hướng mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa.

Giải thích thêm về việc mở rộng khung, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Điều này nhằm đáp ứng 3 lý do chính: Nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt trong bố trí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người lao động và góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi tiền lương của NLĐ; Phản ánh đúng xu thế của quốc tế”.

Trên thực tế, các doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp linh kiện điện tử... thường phải tổ chức làm thêm giờ trong những tháng cao điểm để hoàn thành tiến độ đơn hàng dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trong nước về giới hạn làm thêm giờ trong khi chưa vi phạm tiêu chuẩn của nhãn hàng.

Giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Theo dự thảo Tờ trình: “Từ kinh nghiệm quốc tế nêu trên, trong bối cảnh Việt Nam với thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thấp (2.340 USD vào năm 2017 theo số liệu của Worldbank), năng suất lao động còn ở mức thấp, tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động có giá trị gia tăng thấp vẫn còn lớn (các ngành sản xuất gia công, lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may, thủy sản, da giầy, chế biến gỗ…) thì nhu cầu mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ là nhu cầu có thực để góp phần tăng thu nhập, thúc đẩy sản xuất kinh doanh”.

Trong khi đó, quy định về làm thêm giờ hiện hành cho thấy, một bộ phận không nhỏ người lao động cũng mong muốn nâng giới hạn giờ làm thêm để có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Theo  dự thảo Tờ trình, để nâng cao thu nhập, người lao động khi hết giờ làm việc chính thức và làm thêm giờ theo quy định, họ chuyển sang làm việc thêm cho doanh nghiệp khác.

Thời gian làm việc ở doanh nghiệp khác chỉ được hưởng lương tiêu chuẩn (100% tiền lương) thay vì được hưởng lương làm thêm giờ cao hơn (ít nhất bằng 150%) ở doanh nghiệp cũ nếu được làm thêm giờ vượt quá quy định.

“Ngoài ra, theo kinh nghiệm quốc tế thì xã hội càng hiện đại, nước càng giàu thì thời giờ làm việc càng ngắn, nước càng nghèo thì thời giờ làm việc càng dài; nước có năng suất lao động càng cao thì số giờ làm việc của NLĐ càng thấp, năng suất càng thấp thì số giờ làm việc của NLĐ càng cao; số giờ làm việc của NLĐ cao hay thấp phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố kinh tế, xã hội, bên cạnh các yếu tố khác như sức khỏe, điều kiện lao động, môi trường...” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Mở rộng khung làm thêm giờ lên 400 giờ/năm

Theo Ban soạn thảo, đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt này sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: Từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.

Qua khảo sát, đánh giá và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến tán thành. Đây là mức giờ tăng thêm tối ưu hóa mặt tích cực, hạn chế thấp nhất mặt tiêu cực của việc làm thêm giờ trên cơ sở các nghiên cứu, cân nhắc và đánh giá tác động về kinh tế, xã hội và tác động giới.

Mức tăng thêm là tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về điều kiện kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu và sức khỏe của người lao động.

Một số mức làm thêm giờ: 

- Các nước có thu nhập bình quân đầu người dưới 20.000 USD có thời giờ làm việc của NLĐ là từ 1600 - 2400 giờ/năm;

- Các nước có thu nhập bình quân đầu người từ 20.000-40.000 USD có thời giờ làm việc của NLĐ là từ 1600 - 2300 giờ/năm;

- Các nước có thu nhập bình quân đầu người trên 40.000 USD thì thời giờ làm việc của NLĐ là từ 1400 - 1800 giờ/năm.

Các nước có năng suất lao động (GDP cho mỗi giờ làm việc) cao như Nauy (>= 100 USD/giờ) thì NLĐ làm việc chỉ 1400 giờ/năm.

- Ngược lại các nước năng suất thấp (= 0 - 20 USD/giờ như Campuchia, Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ, Indonexia, Malayxia) thì NLĐ làm việc từ 2.000-2.400 giờ/năm.

(Nguồn: Bộ LĐ-TB&XH)

Bên cạnh đó, để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động, dự thảo Bộ luật Lao động quy định nguyên tắc: Trong mọi trường hợp huy động làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động. Chỉ khi được người lao động đồng ý thì mới được huy động làm thêm giờ.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định bảo đảm số giờ làm thêm trong một ngày không quá 50% số giờ làm việc bình thường; người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác.

Các quy định này sẽ bảo đảm tổng thời gian làm việc trong ngày của người lao động là không quá 12 giờ (kể cả thời giờ làm thêm) và người lao động sẽ được nghỉ ngơi ít nhất 12 giờ mỗi ngày.

Về tiền lương, việc trả lương và đãi ngộ hợp lý cho người lao động khi làm thêm giờ: Tiền lương làm thêm giờ phải cao hơn tiền lương giờ làm việc tiêu chuẩn, ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết (Điều 99 dự thảo Bộ luật). Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định. Việc trả lương lũy tiến cao hơn mức trên thì do hai bên thỏa thuận.

Đồng thời, Chính phủ sẽ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành việc tổ chức làm thêm quá 200 giờ trong một năm trong Nghị định với những nguyên tắc cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực.

Hoàng Mạnh