1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tổng LĐLĐ VN:

Đề xuất chi 2% nguồn thu nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động

(Dân trí) - Tổng LĐLĐ VN chủ trương dành nguồn lực đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, trong đó dành 2 % nguồn thu tài chính hàng năm cho nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, người lao động...

tld.jpg

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Đây là ý kiến của ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, tại Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Tổng LĐLĐ VN (khoá 13) diễn ra chiều 13/3 tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. 

Thông tin tại lễ khai mạc, ông Bùi Văn Cường cho biết, Hội nghị lần thứ 3 sẽ tập trung bàn về 4 nội dung chính, như: Nghị quyết của Ban chấp hành về những quy định mới trong công tác tài chính công đoàn, đề án thực hiện thí điểm mô hình chuỗi hoạt động kinh tế; quy định tiêu chuẩn các chức danh cán bộ công đoàn các cấp, tiến hành rà soát và bổ sung quy hoạch chức danh Ban chấp hành Tổng LĐLĐ VN khoá 13.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

Số cuộc ngừng việc năm 2018 giảm so với năm 2017

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đánh giá cao những đóng góp của hệ thống các cấp công đoàn trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà trong doanh nghiệp thời gian qua, đặc biệt là số các cuộc ngừng việc và đình công năm 2018 đã giảm hơn 34% so với năm 2017. Phó Thủ tưởng biểu dương và cảm ơn Tổng LĐLĐ VN, cán bộ CĐ các cấp đã quyết tâm, nỗ lực cùng cả nước đạt những thành tựu, kết quả toàn diện trong năm 2018.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, Tổng LĐLĐ VN cần đẩy mạnh hơn về hình thức và chất lượng các hoạt động công đoàn trong khối cơ quan hành chính nhà nước, đổi mới mạnh mẽ hơn thích ứng với hội nhập quốc tế, nhất là trước bối cảnh Việt Nam gia nhập hiệp định CPTPP. Đồng thời, Tổng LĐLĐ VN cần tích cực cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ trong thủ tục hành nhằm tạo sự minh bạch, công khai, hiệu quả.

Trong công tác tài chính, Nghị quyết của Đại hội lần thứ 13 đã đề ra 1 trong 3 khâu đột phá là xây dựng nguồn lực đủ mạnh đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Theo đó, Tổng LĐLĐ VN nghiên cứu việc dành 8% nguồn thu tài chính hàng năm để đầu tư nơi làm việc của một số cơ quan công đoàn gắn liền với các hạng mục văn hoá, thể thao và dịch vụ thương mại, đầu tư xây dựng các thiết chế của tổ chức công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đồng thời, Tổng LĐLĐ VN cũng sẽ dành 2% nguồn thu tài chính hàng năm cho nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, người lao động.

Được biết, Tổng LĐLĐ VN đang quản lý các đơn vị kinh tế, sự nghiệp CĐ trên toàn quốc như: Nhà khách, công ty TNHHMTV, công ty cổ phần, siêu thị, trung tâm hội nghị, nhà văn hoá... hầu hết các đơn vị này đều ở vị trí thuận lợi trong các trung tâm có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, việc đánh giá cho thấy đa số các đơn vị trên có kết quả hoạt động thấp.

“Trên cơ sở đó, hội nghị này sẽ bàn thảo dự thảo “Đề án thực hiện thí điểm mô hình chuỗi hoạt động kinh tế” và xin ý kiến một số Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương nhằm xây dựng chuỗi mô hình chuỗi hoạt động kinh tế công đoàn phát huy được tiềm năng, thế mạnh, hiệu quả các đơn vị kinh tế của hệ thống công đoàn” - ông Bùi Văn Cường cho biết.

Cũng tại Hội nghị, Ban chấp hành sẽ tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh Ban chấp hành Tổng LĐLĐ VM khoá 13 năm 2019 nhiệm kỳ 2018-2023.

Khai trương hệ thống tư vấn pháp luật trực tuyến

Cùng ngày, Tổng LĐLĐ VN đã khai trương khai trương hệ thống tư vấn pháp luật trực tuyến. Tới dự lễ khai trương có bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ và ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN.

Phần mềm hệ thống tư vấn pháp luật trực tuyến được cài đặt, tích hợp trên cổng thông tin điện tử của Tổng LĐLĐ VN tại địa chỉ: www.congdoan.vn. Ngoài ra, phần mềm có thể tích hợp trên: Ứng dụng phần mềm cài đặt trên điện thoại thông minh, máy tính bảng; hệ thống trang thông tin điện tử của liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty; các mạng xã hội phổ biến như: Facebook, Zalo, Viber, Twitter; hệ thống tổng đài điện thoại trả lời tự động; các kios trả lời tự động đặt cố định tại các KCN, KCX, các doanh nghiệp lớn, các khu vực nhà ở, khu vực đông công nhân và người lao động…

Hoàng Mạnh