Đề nghị tăng mức xử phạt đối với vi phạm an toàn lao động

Ngày 14/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sỹ Lợi làm Trưởng đoàn đã làm việc với TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách an toàn, vệ sinh lao động, 10 năm thực hiện NQ 18/2008/QH12 về đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hóa nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

ATLD.jpg

Hình minh họa
 

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2018, trên địa bàn TP xảy ra 694 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), trong đó có 190 vụ TNLĐ làm chết 195 người.

So với giai đoạn 2013 - 2015, số vụ TNLĐ xảy ra tăng 74,3%; số vụ TNLĐ chết người tăng 200%; số người chết tăng 77%.

Cho biết dù TP Hà Nội đã triển khai tích cực về Luật ATVSLĐ nhưng nhận thức chấp hành Luật của chủ lao động vẫn còn hạn chế, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cũng thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương.

Theo ông Quý, việc số nạn nhân TNLĐ thuộc nhóm không có có hợp đồng lao động chiếm tỷ lệ cao; số doanh nghiệp tổ chức sức khỏe định kỳ cho người lao động thấp, số người có nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp tăng… là những vấn đề đáng báo động cần quan tâm trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, tới đây, TP sẽ tập trung triển khai tăng cường tuyên truyền và có quy chế phối hợp giữa các ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm.

Nhất trí với các ý kiến đề xuất từ phía Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị TP cần thường xuyên đo kiểm môi trường, khám sức khỏe để phát hiện bệnh nghề nghiệp, có các giải pháp phòng ngừa TNLĐ trong điều kiện môi trường lao động có nguy cơ tai nạn cao…

Theo Thanh Tâm/Pháp luật VN