Đề nghị Đồng Nai đẩy nhanh việc triển khai gói an sinh 62.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Cục trưởng Cục Người có công đề nghị tỉnh Đồng Nai triển khai nhanh hơn nữa gói an sinh 62.000 tỷ đồng để tiền hỗ trợ sớm đến tay người dân gặp khó vì Covid-19.

Toàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 100.000 lao động mất việc

Ngày 20/5, Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH do ông Đào Ngọc Lợi - Cục trưởng Cục Người có công - dẫn đầu đã tiến hành kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết 42/2020/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg tại tỉnh Đồng Nai.

Đề nghị Đồng Nai đẩy nhanh việc triển khai gói an sinh 62.000 tỷ đồng - 1
Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH do ông Đào Ngọc Lợi - Cục trưởng Cục Người có công làm việc tại tình Đồng Nai  

Báo cáo với Đoàn công tác, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai cho biết, trên địa bàn có 10.273 đối tượng người có công được nhận hỗ trợ với số tiền 15,3 tỷ đồng; 67.437 đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo với số tiền 100 tỷ đồng.

UBND các huyện, thành phố đã phối hợp với Bưu điện địa phương đang thực hiện chi trả cho các nhóm đối tượng trên. 

Đề nghị Đồng Nai đẩy nhanh việc triển khai gói an sinh 62.000 tỷ đồng - 2
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai cho biết trên địa bàn có 10.273 đối tượng người có công được nhận hỗ trợ với số tiền 15,3 tỷ đồng

Đến hết ngày 19/5, TP Biên Hòa và huyện Trảng Bom đã chi cho 2.747 đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 594,7 triệu đồng; 410 đối tượng hộ nghèo, cận nghèo số tiền 307,5 triệu đồng.

Những đối tượng còn lại trên địa bàn tỉnh sẽ được nhận chi trả xong trong tuần này hoặc chậm nhất là tuần sau (ngày 31/5).

Đề nghị Đồng Nai đẩy nhanh việc triển khai gói an sinh 62.000 tỷ đồng - 3

Đối với việc hỗ trợ nhóm lao động tự do và các doanh nghiệp khó khăn, tỉnh Đồng Nai đang tiến hành rà soát, lập danh sách.

Trao đổi với Đoàn công tác, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai cho biết việc chi trả hỗ trợ cho người dân chậm hơn so với nhiều địa phương khác do gặp nhiều khó khăn.

Đồng Nai là địa phương có số lượng người hưởng trợ cấp nhiều, lao động ngoại tỉnh khá cao nên việc rà soát nhóm lao động tự do cũng mất nhiều thời gian. 

Đề nghị Đồng Nai đẩy nhanh việc triển khai gói an sinh 62.000 tỷ đồng - 4
Ông Cao Duy Thái - Trưởng phòng Chính sách - Lao động, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai  

"Lúc đầu rà soát, toàn tỉnh có khoảng 100.000 lao động mất việc nhưng sau khi có Quyết định 15/2020/QĐ-TTg thì rất ít đối tượng đáp ứng các yêu cầu", ông Cao Duy Thái, Trưởng phòng Chính sách - Lao động, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai nói.

Ông Thái cũng nhấn mạnh, riêng đối với người lao động có hợp đồng phải ngưng việc thì các doanh nghiệp lại không đáp ứng các yêu cầu, như không có doanh thu nên vô tình đẩy nhóm đối tượng này ra khỏi danh sách hỗ trợ. Theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, rất ít doanh nghiệp có khả năng được hỗ trợ vay vốn với lãi suất 0%.

Nguyên nhân do quyết định yêu cầu doanh nghiệp phải đóng đủ bảo hiểm cho người lao động và phải trả đủ lương 50% cho nhân viên. Do vậy, đến nay chưa có doanh nghiệp nào làm hồ sơ vay vốn.

Đề nghị Đồng Nai đẩy nhanh việc triển khai gói an sinh 62.000 tỷ đồng - 5
Đối với lao động tự do, tỉnh cần triển khai nhanh công tác lập danh sách và kiến nghị những vướng mắc  

Sau phần trao đổi giữa Đoàn công tác và tỉnh Đồng Nai, ông Đào Ngọc Lợi - Cục trưởng Cục Người có công cho biết Đồng Nai cần triển khai nhanh gói an sinh 62.0000 tỷ đồng để tiền hỗ trợ sớm đến tay người dân.

"Qua kiểm tra, nắm bắt tình hình tại Đồng Nai, chúng tôi yêu cầu Sở phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ chi hỗ trợ cho người dân; đặc biệt là nhóm đối tượng người có công, hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ", ông Đào Ngọc Lợi - Cục trưởng Cục Người có công nhấn mạnh.

Ông Lợi cũng đề nghị tỉnh Đồng Nai cần triển khai nhanh công tác lập danh sách và kiến nghị những vướng mắc với cơ quan có thẩm quyền để được hỗ trợ đối với lao động tự do. 

Đề nghị Đồng Nai đẩy nhanh việc triển khai gói an sinh 62.000 tỷ đồng - 6

Cục trưởng Đào Ngọc Lợi chia sẻ về những khó khăn mà Đồng Nai đang gặp phải.

Chia sẻ về những khó khăn mà Đồng Nai đang gặp phải, Cục trưởng Đào Ngọc Lợi cho biết nguyên nhân Đồng Nai triển khai chậm là do khâu rà soát đối tượng. Đồng thời, địa phương tiến hành việc ban hành kế hoạch chưa kịp thời. Sự phối hợp giữa các cơ quan ban hành cũng chưa có sự thống nhất cao.   

"Với đặc thù của địa bàn đông dân, đa dạng các loại đối tượng, nhất là có rất nhiều đối tượng lao động tự do. Do vậy, địa phương cũng rất thận trọng trong công tác rà soát, tránh trùng lặp các đối tượng được hỗ trợ", Cục trưởng Đào Ngọc Lợi chia sẻ thêm. 

Xuân Hinh - Phạm Nguyễn