1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

“Đây không phải là việc của tôi”

(Dân trí) - Bạn đã từng nói với sếp như thế khi ông ấy nhờ bạn, một lập trình viên có hạng, đi photo giúp tập tài liệu quan trọng? Vậy thì bạn đừng ngạc nhiên khi gần đây, sếp bỗng dưng tỏ ra kém thân mật và tin tưởng bạn, lại ít giao cho bạn những trọng trách mới.

Trừ khi bạn thật sự quá bận, hoặc sếp quá thường xuyên sai vặt bạn, còn thì hãy vui vẻ làm những việc sếp giao, bởi nhân viên công sở thời hiện đại cần năng động, linh hoạt và luôn sẵn sàng.

 

“Tôi thật sự muốn nói chuyện với ông/bà, điều đó rất quan trọng”

 

Một điều quan trọng đối với người này lại là cái tầm phào đối với người khác. Trong công sở hoạt động dồn dập như hiện nay, những người quản lý không có thời gian để quan tâm tới mọi nhu cầu nhỏ nhặt của nhân viên. Nếu bạn phải nói chuyện với sếp về điều gì đó quan trọng, hãy nói luôn đó là vấn đề gì.

 

“Tôi không cần ai phải dạy tôi cả”

 

Hãy cẩn thận khi nói câu này. Cần phải phân biệt giữa việc bạn đã biết phải làm việc như thế nào và bạn nghĩ bạn đã biết phải làm việc như thế nào. Đó là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau.

 

“Tôi không hiểu”

 

Mặt khác, nếu như có nhân viên nào đó lúc nào cũng cần được hướng dẫn hoặc xin ý kiến để có thể làm một việc nào đó, trong mắt sếp, anh ta/cô ta cần phải nỗ lực hơn nữa.

 

“Ông/bà có thể nói lại được không?”

 

Câu nói này dễ gây khó chịu cho sếp, nhưng cũng có thể được bỏ qua nếu chỉ được nói một lần. Ngược lại, liên tục đề nghị sếp “tua lại” sẽ cho thấy bạn không quan tâm hoặc không tôn trọng những gì ông ấy/bà ấy đã nói.

 

“Tôi chưa có thời gian để làm việc đó” 

 

Đôi lúc, điều tệ hại không phải là bạn làm hay nói điều gì đó sai, mà là việc bạn không làm theo những gì đã nói. Cứ nhận hết việc này việc kia, ôm đồm trách nhiệm, rồi đến lúc không thể hoàn thành đúng thời hạn, tự bạn đã làm hỏng cơ hội được thăng tiến. Một nhân viên không đáng tin cậy sẽ được ghi nhớ khi có đợt đánh giá năng lực hoặc nâng cấp bậc - dĩ nhiên, theo hướng không vui vẻ gì.

 

“Đừng trách tôi. Đó không phải là lỗi của tôi”

 

Một điều chắc chắn sẽ khiến sếp cảm thấy cực kỳ khó chịu đó là nhân viên cố gắng khỏa lấp lỗi lầm của mình bằng cách đổ lỗi cho người khác. Hành vi này cho thấy bạn không chỉ không đáng tin cậy, mà còn dối trá.

 

“Ông/bà có thể nói mấy người kia tắt cái thứ âm nhạc khó chịu đó được không?”

 

Sếp không có trách nhiệm phải giải quyết những vấn đề riêng của bạn. Nếu bạn không thể tự giải quyết rắc rối với đồng nghiệp, bạn có thể xin lời khuyên của sếp chứ đừng hy vọng họ sẽ đáp lại những lời phàn nàn, than vãn.

 

“Đúng, tôi có một gia đình. Tôi sẽ về nhà”

 

Đúng, ngày làm việc hàng ngày đối với hầu hết công ty thường kết thúc lúc 5 giờ chiều, nhưng đôi khi việc nán lại vài phút tại bàn làm việc là cần thiết. Hãy chắc chắn là bạn hiểu chính sách của công ty về vấn đề này trước khi có ý kiến thắc mắc.

 

Linh Hương Đặng

Theo CareerBuilder