1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đánh giá cán bộ, công - viên chức: Những con số mang tính… hình thức

Những số liệu liên quan đến công tác đánh giá cán bộ, công - viên chức đang  tạo lên ý kiến trái chiều trong dư luận.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về việc triển khai Nghị quyết số 113/2015/QH13 và Nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện các nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn phục vụ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Đánh giá cán bộ, công - viên chức: Những con số mang tính… hình thức - 1

Bộ Nội vụ cho biết qua tổng hợp từ các Bộ ngành, địa phương, chỉ có 0,59% công chức và 0,38% viên chức không hoàn thành nhiệm vụ - Ảnh minh họa

Đáng chú ý, những số liệu liên quan đến công tác đánh giá cán bộ, công – viên chức đang  tạo lên ý kiến trái chiều trong dư luận. Thậm chí, nhiều Đại biểu còn thấy thấy bất ngờ và cho rằng nó không chính xác, đánh giá còn mang tính hình thức, nịnh bợ nhau.

Cụ thể, kết quả báo cáo cho thấy: Đối với công chức, trong tổng số 284.668 người, số hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 76.695 người, chiếm 26,94%; Hoàn thành tốt nhiệm vụ: 197.377 người, chiếm 69,34%; Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực: 6.732 người, chiếm 2,36%; Không hoàn thành nhiệm vụ: 1.690 người, chiếm 0,59%.

Đối với viên chức, trong tổng số 1.104.393 người có 300.866 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm 27,24%; 740.792 người hoàn thành tốt nhiệm vụ, chiếm 67,08%; 70.042 người hoàn thành nhiệm vụ, chiếm 6,34%; 4.244 người không hoàn thành nhiệm vụ, chiếm 0,38%.

Trước đây, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng có đánh giá chỉ có khoảng 70% công chức có tinh thần làm việc, còn lại là “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Dĩ nhiên, những con số được đưa ra tại báo cáo tuy không nói lên tất cả, nhưng ít nhiều nó cũng về chất lượng đội ngũ cán bộ, công-viên chức hiện nay đang có vấn đề.

Có lẽ vì thế người người đều ngạc nhiên về tỉ lệ cán bộ, công – viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Liên quan đến vấn đề này, nguyên Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng cũng tỏ ra bất ngờ: “Đây là con số chỉ mang tính chất báo cáo hành chính, không sát với thực tế. Tại sao chưa tới 1% công chức, viên chưa không hoàn thành nhiệm vụ? Báo cáo này theo tôi chưa chính xác. Tôi cho rằng trên thực tế con số này còn cao hơn gấp nhiều lần”.

Nhân đây, cũng xin nói lại một quy định còn “gây khó” trong công tác đánh giá cán bộ để đưa vào tinh giản là “hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực”. Nói thẳng ra, quy định, tiêu chí này rất trừu tượng, khó xác định vì chưa có tiêu chí để xác định thế nào là hoàn thành nhiệm vụ nhưng hạn chế về năng lực. Chưa kể trong các cơ quan hiện nay vẫn còn kiểu xuê xoa, “dĩ hòa vi quý”.

“Việc đánh giá về công chức, viên chức lâu nay chưa thực chất, mang tính hình thức. Hình thức đánh giá cũng như nội dung đánh giá theo kiểu dĩ hòa vi quý, thậm chí còn nịnh bợ nhau. Đây là hạn chế tồn tại đã lâu nhưng chưa khắc phục được” - Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Tức là, xuất phát từ đánh giá thực tế không trung thực dẫn đến con số báo cáo cũng không trung thực. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này vẫn là bệnh thành tích, bệnh hình thức, bệnh xu nịnh và ưa nịnh hót, chủ nghĩa cá nhân, háo danh của một bộ phận không nhỏ cán bộ. Vô hình trung, nó thành “tấm bình phong” che lấp sự yếu kém của cán bộ dưới quyền, làm trì trệ bộ máy hành chính – mà một trong những nhiệm vụ của bộ máy là phục vụ nhân dân.

Thêm một vấn đề đặt ra là: Liệu chúng ta có đủ quyết tâm, bản lĩnh để thải loại cả chục nghìn cán bộ công - viên chức không hoàn thành nhiệm vụ và hạn chế năng lực, lẫn không hoàn thành nhiệm vụ kia để dành chỗ cho những người có tài có tâm vào cống hiến cho nhà nước hay không?

Mục tiêu Nghị quyết 39-NQ/TƯ về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là “nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị...”. 

“Vua có minh, thì tôi mới hiền” - đó là chân lý đã được đúc kết từ hàng nghìn năm qua về công tác quan lại thời phong kiến. Và để hoàn thành mục tiêu đó, trong quá trình thực hiện không thể không có những phản ứng, va chạm, thậm chí là xung đột, mâu thuẫn. Vấn đề đặt ra là xử lý thế nào, dựa trên căn cứ nào để việc xử lý vừa có lý, vừa có tình mà thôi.

Chiếu vào công tác cán bộ hiện nay, để quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ đúng người, đúng vị trí, vừa có đức, vừa có tài, thì phải có những quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phải chuẩn mực, phù hợp. Mà để đảm bảo quy hoạch đúng thì khâu đánh giá cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có liên quan đến tất cả các khâu của công tác cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đưa ra một luận điểm nổi tiếng “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Điều này cũng có nghĩa, nhân dân rất muốn tin vào số liệu báo cáo trên của Bộ Nội vụ, muốn tin vào các vị lãnh đạo lắm. Tiếc rằng, nói như một số Đại biểu Quốc hội có tâm thì những con số trên chỉ mang tính chất nịnh bợ mà thôi.

Theo Sông Hàn/Diễn đàn Doanh nghiệp