Đại biểu quốc hội lo ngại hình sự hoá việc đình công

(Dân trí) - “Tôi xin đề nghị trong Điều 162 của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự bỏ hẳn cụm từ “hoặc dẫn đến đình công”. Vì đình công đã được tòa án xem xét tính phù hợp và sẽ được xử lý vi phạm thậm chí có thể hình sự hóa”.


Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, được Quốc hội bàn thảo hôm 24/5.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, tại Điều 162, Chính phủ đã không trình sửa nội dung, nhưng Ủy ban Tư pháp sửa về mặt kỹ thuật. “Tuy nhiên, tôi đề xuất cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nên nghiên cứu xem xét, nếu không sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp”.

“Quy định thế này sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp và không đảm bảo sự công bằng trong quan hệ lao động. Chúng ta đang thực hiện xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ và rõ ràng nó gây ách tắc, khó khăn cho chủ sử dụng lao động trong vấn đề này” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Cụ thể, Điều 162 về tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật, trong Khoản 1 ghi là "người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây làm cho người bị thôi việc, người bị sa thải hoặc gia đình của họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn", Ủy ban Tư pháp có chỉnh lại kỹ thuật ở đây theo điều cũ là “lâm vào tình trạng khó khăn” bằng “lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn”.

Cũng theo vị đại biểu quốc hội này, trong đó có một điều quan trọng vẫn giữ cụm từ "hoặc dẫn đến đình công” thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm".

“Điều này sẽ hình sự hóa quan hệ lao động cá nhân. Nếu tổ chức, cá nhân gây hậu quả cho người lao động bị thôi việc, người bị sa thải và để cho gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thì phù hợp. Nhưng chúng ta lại gắn hình sự hóa quan hệ lao động tập thể vào đây. Điều này không đồng bộ. Ở đây sẽ dẫn đến một vấn đề là vừa không có cơ sở, không phù hợp với Điều 162” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi nhận định, Điều 209 của Bộ luật lao động về đình công có nội dung "đình công là sự ngừng việc tạm thời tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm để đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động" chỉ thực chất là quan hệ tập thể.

Đồng thời, "việc đình công chỉ được tiến hành đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và phải qua thủ tục giải quyết tranh chấp lao động". Như vậy, sự việc phải trải qua giải quyết tranh chấp các bước, sau đó mới đến đình công và đây là quan hệ lao động tập thể.

“Nếu chúng ta quy định như thế này thì sẽ khuyến khích cho đình công” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi: Mỗi năm cả nước có hàng ngàn cuộc đình công nhưng không có cuộc đình công nào diễn ra theo đúng quy định của pháp luật để được gọi là cuộc đình công hợp pháp. Sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta quy định cứ đình công thì là tội hình sự.

“Chúng ta đang quy định là đình công theo lợi ích nhưng không có cuộc đình công nào theo lợi ích cả. Cả quyền và lợi ích kết hợp không ai tách được hai vấn đề này và hướng sắp tới sửa đình công chúng ta phải sửa chỗ này, cả về quyền và lợi ích”.

Hoàng Mạnh tổng hợp