1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đà Nẵng tổng rà soát tình trạng nợ lương, nợ BHXH người lao động

Tại phiên thảo luận vào sáng 8/12, đại biểu Lương Nguyễn Minh Triết - Chánh VP Thành ủy Đà Nẵng, nguyên Chủ tịch LĐLĐ TP, đã phản ảnh tình trạng nợ lương, nợ BHXH trong công nhân của một số doanh nghiệp trên địa bàn TP.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết dẫn chứng vụ việc nợ lương, nợ BHXH nhiều tháng với gần 500 công nhân của Công ty TNHH MTV TBO Vina thuộc KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Giám đốc bỏ trốn về nước vào tháng 8/2018 vừa qua. Đến nay, sau 5 tháng chủ Công ty TPO Vina bỏ trốn nhưng vẫn chưa có cơ chế xử lý tài sản để nợ lương, BHXH, thai sản của công nhân và không biết sẽ kéo dài đến khi nào.

Ông Triết đề nghị các ngành chức năng phải có biện pháp đối với các doanh nghiệp né tránh đóng BHXH, không để tái diễn tình trạng như trong câu chuyện của TPO Vina.


Ông Lương Nguyễn Minh Triết đề xuất các giải pháp giải quyết tình trạng nợ lương, BHXH của người lao động

Ông Lương Nguyễn Minh Triết đề xuất các giải pháp giải quyết tình trạng nợ lương, BHXH của người lao động

“Bộ luật Hình sự có quy định rõ ràng về tình trạng nợ BHXH của doanh nghiệp. BHXH là đơn vị biết doanh nghiệp nào nợ, nợ bao nhiêu nên phải chủ động tham mưu, sàng lọc, đưa vào diện kiểm soát đối với những doanh nghiệp nợ BHXH 3 tháng trở lên. Đối với doanh nghiệp nợ 3 tháng trở lên cần chủ động báo với cơ quan công an để quản lý việc xuất cảnh kể cả với chủ doanh nghiệp là người nước ngoài. Đối với doanh nghiệp nợ 6 tháng trở lên hoặc số tháng nợ ít nhưng số tiền quá lớn theo quy định của Bộ luật Hình sự thì cần nhanh chóng gửi hồ sơ khởi tố qua cơ quan công an. Ngoài ra, ngành công an cũng cần khẩn trương vào cuộc đối với những trường hợp nợ BHXH” - ông Triết gợi ý.

Như trường hợp của TPO Vina, ông Triết cho biết, chỉ đến khi BHXH Việt Nam vào cuộc thì mới thấy số tiền nợ quá lớn và chủ doanh nghiệp phải bỏ trôn trong khi trước đó, BHXH TP Đà Nẵng đã thanh tra 2 năm liên tục - ông Triết ví dụ.

Đồng thời, cử tri TP Đà Nẵng cũng đề nghị lãnh đạo TP và Trung ương, khi thu hút đầu tư và cấp phép đầu tư thì cần quy định ký quỹ dự phòng rủi ro để khi doanh nghiệp mất khả năng tài chính và bỏ trốn thì dùng tiền trên để trả nợ lương, BHXH cho công nhân. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần phải sớm có quy định về xử lý tài sản của doanh nghiệp bỏ trốn.

Đại biểu Triết cũng đề nghị các cơ quan như BHXH, Sở LĐ-TB-XH, Công an TP và Ban quản lý các KCN cần theo dõi tình hình nợ BHXH, đừng để đến khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn thì xử lý không kịp.

Bà Phan Thị Thúy Linh, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, UBND TP đã có phân công trách nhiệm cho các ngành liên quan để phối hợp xử lý tình trạng nợ lương, BHXH. Về phía Sở LĐ-TB-XH, sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra để không xảy ra tình trạng nợ lương. Đồng thời, Sở cũng tuyên truyền về các quy định của pháp luật về lao động, xã hội đối với công nhân.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng để nợ lương, nợ BHXH đối với công nhân, người lao động là việc làm không thể chấp nhận bởi đây là tầng lớp khó khăn. Ông Trung chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH cùng với các ngành liên quan tổng rà soát tình trạng nợ lương, nợ BHXH trên địa bàn TP để xử lý dứt điểm và có kết quả báo cáo giám sát trong kỳ họp giữa năm 2019.

“Đây là là điểm nóng. Nếu chúng ta giải quyết vấn đề này không ổn sẽ tạo ra điểm nóng” - ông Trung nhận định.

Theo Hà Nguyên/Báo Giáo dục Thời đại